Giám đốc Viện Dịch tễ học, Kiểm soát và Nghiên cứu bệnh (IEDCR) thuộc Bộ Y tế Bangladesh, Tahmina Shirin cho biết nhà chức trách đã phát hiện trường hợp tử vong đầu tiên tại Manikganj, cách thủ đô Dahka khoảng 50 km. Nạn nhân đã tử vong sau khi uống nhựa chà là. Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với virus Nipah.
Trước đó, Bộ Y tế đã cảnh báo người dân không nên ăn trái cây bị chim hoặc dơi ăn một phần, hay uống nước ép chà là thô.
Virus Nipah lây sang người qua tiếp xúc với dịch thể của dơi, lợn hoặc những người mắc bệnh. Căn bệnh này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1999 trong đợt bùng phát ảnh hưởng đến nông dân và những người đã tiếp xúc với lợn ở Malaysia. Kể từ đó, virus Nipah đã gây ra các đợt dịch tại Bangladesh, Ấn Độ và Singapore, cướp đi sinh mạng của hơn 160 người ở Bangladesh.
Theo IEDCR, tổng cộng có 10 người trong số 14 người nhiễm virus Nipah ở Bangladesh đã tử vong vào năm ngoái, con số tử vong cao nhất trong 7 năm.
Hiện không có phương pháp điều trị hoặc vaccine nào cho virus Nipah. Những người nhiễm virus có thể sốt, đau đầu, ho, khó thở và có khả năng bị sưng não. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do nhiễm virus ước tính vào khoảng từ 40-75%.