Bộ Y tế Indonesia cho biết quốc gia Đông Nam Á này chưa ghi nhận ca lây nhiễm NiV. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản các cơ quan y tế trong nước ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết về các biện pháp phòng ngừa loại virus này.
Tổng Cục trưởng Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Maxi Rein Rondonuwu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối với Indonesia vì “sự gần gũi về mặt địa lý” với các quốc gia đã phát hiện các ca nhiễm NiV, trong đó có Ấn Độ và Malaysia.
Bộ Y tế Indonesia kêu gọi các cơ quan y tế cảng (KKP) tăng cường giám sát hành khách và nhân viên, cũng như động vật sống nhập khẩu vào Indonesia từ các nước đã phát hiện NiV. KKP cũng được yêu cầu đặc biệt lưu ý những người có triệu chứng về hô hấp hoặc co giật.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Indonesia cũng chỉ đạo các cơ quan y tế địa phương trên cả nước giám sát và truy vết các trường hợp nghi nhiễm hoặc có khả năng nhiễm NiV.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), NiV đang lây lan tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ. Khu vực này đã ghi nhận 6 ca nhiễm trong vòng 1 tuần, trong đó có 2 ca tử vong và 1 ca phải thở máy. Đây là đợt bùng phát NiV thứ 4 tại Kerala trong vòng 5 năm qua, đợt gần đây nhất là vào năm 2021.
Trước đây trên thế giới từng xảy ra nhiều đợt dịch do NiV gây ra, trong đó, Malaysia và Singapore ghi nhận đợt bùng phát đầu tiên vào những năm 1998-1999 khiến 105 người tử vong, trong đó 96 người ở Malaysia và 9 người ở Singapore.
NiV lây truyền từ động vật như dơi, lợn sang người hoặc từ người sang người. Virus này có thể gây ra tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng và phù não. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh do NiV gây ra.