Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đang chìm trong làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và sử dụng vũ lực quá mức trong thực thi pháp luật sau cái chết của công dân gốc Phi George Floyd.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo khẳng định sẽ ký thông qua quyết định bãi bỏ đạo luật trên. Như vậy, hiện ở Mỹ chỉ còn duy nhất bang Delaware áp dụng luật cho phép giữ kín thông tin về hồ sơ xử lý vi phạm của cảnh sát.
Việc bãi bỏ đạo luật này là một trong số những biện pháp nhằm truy cứu trách nhiệm của cảnh sát đang được giới thiệu tại cơ quan lập pháp bang New York. Các biện pháp khác bao gồm trang bị cho tất cả cảnh sát địa phương camera gắn trên người và đảm bảo cảnh sát chú ý đến vấn đề sức khỏe của những người bị bắt giữ. Nhiều dự luật trong số này đã được đề xuất từ nhiều nhiều năm trước, nhưng hiện đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ.
Trước đó cùng ngày, một cảnh sát của thành phố New York đã bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức đối với người biểu tình. Cảnh sát Vincent D’Andraia, đã bị bắt giữ và bị buộc tội “hành hung sai trái” khi đoạn video được phát trên mạng cho thấy viên cảnh sát này đã đẩy một phụ nữ ngã xuống đất trong cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd. Việc buộc tội sĩ quan cảnh sát D’Andraia cho thấy sức ép chính trị ngày càng gia tăng đối với lực lượng cảnh sát và giới chức địa phương, buộc họ phải xử lý những hành động sai trái của cảnh sát sau hàng loạt các vụ biểu tình bạo loạn những tuần vừa qua.
Hạ viện Mỹ dự kiến cũng sẽ sớm họp trở lại để thảo luận về một dự luật cải cách cảnh sát toàn diện do đảng Dân chủ đề xuất. Dự luật sẽ giúp việc truy tố các vi phạm của cảnh sát trở nên dễ dàng hơn, cấm hành động “khóa cổ” và xử lý các hành vi phân biệt chủng tộc Hiện chưa rõ liệu dự luật có nhận được sự ủng hộ của Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát hay không cũng như khả năng Tổng thống Donald Trump có ký ban hành.
Các cuộc biểu tình đã xảy ra trên toàn nước Mỹ trong nhiều ngày qua nhằm phản đối tình trạng bạo lực sắc tộc sau vụ người đàn ông da màu Floyd tử vong khi bị cảnh sát bắt ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ. Nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn với các hành vi cướp phá và đối đầu với cảnh sát tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ.
Làn sóng biểu tình cũng đã lan rộng ra các nước khác. Từ ngày 31/5, một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại Canada, Anh, Đức và New Zeland... bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội thời kỳ dịch bệnh.