Những ổ dịch mới và nỗi sợ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai càng khắc họa đậm nét mối nguy hiểm mà giới chức các nước phải đối mặt khi đang mò mẫm mở cửa nền kinh tế sau thời gian phong tỏa.
Đức và Hàn Quốc là hai quốc gia được ca ngợi như tấm gương điển hình trong cuộc chiến đối phó với dịch bệnh COVID-19 khi số lượng ca tử vong tại đây có tỷ lệ tương đối thấp so với số ca mắc bệnh.
Ngay từ đầu, hai nước đã triển khai việc xét nghiệm quy mô lớn và hệ thống theo dõi tiếp xúc với người dương tính virus SARS-CoV-2. Sau khi được cho là vượt qua đỉnh dịch, hai nước tuyên bố dần nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Tuy nhiên mới đây, sự xuất hiện loạt ca lây nhiễm mới đã khiến giới chức hai nước này đau đầu khi phải cân bằng giữa việc cứu mạng sống với giữ việc làm cho người dân.
Ngày 9/5, Hàn Quốc ghi nhận hàng chục ca nhiễm có liên quan tới một thanh niên 29 tuổi đã đi đến 3 câu lạc bộ đêm trước khi được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Hậu quả là hơn 2.100 quán bar và hộp đêm tại Hàn Quốc phải đóng cửa, trong khi các nhân viên y tế phải truy tìm ít nhất 1.940 người đến 3 câu lạc bộ trên và các tụ điểm xung quanh.
Thị trưởng Seoul ông Park Won-soon cho biết những nỗ lực chống COVID-19 từ trước đến nay đang bị đe dọa bởi “sự cẩu thả, chủ quan của một số người”.
Trong khi đó, tại Đức, giới chức y tế nước này lại đối mặt với sự bùng phạt dịch tại 3 lò giết mổ. Đây được coi là phép thử cho chiến lược của Chính phủ Đức trong việc đối phó với sự tái sinh của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Tại một lò giết mổ ở Coesfield, 180 công nhân đã được chẩn đoán dương tính với COVID-19.
Liên đoàn NGG Đức, đại diện cho công nhân ngành thực phẩm, cho biết dịch bùng phát là hậu quả của một “hệ thống thiếu trách nhiệm”. Ông Freddy Adjan – một quan chức cấp cao trong liên đoàn – tiết lộ trong hàng chục năm nay, ngành thịt phụ thuộc vào các “đầu mối mập mờ” để thuê nhân công.
Tại Italy – quốc gia châu Âu được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh COVID-19, đường phố đông đúc trở lại sau khi nới lệnh phong tỏa từ đầu tuần này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người dân đã có những hành động vượt quá quy định giãn cách của chính phủ. Thị trưởng Milan Giuseppe Sala cảnh báo “một nhóm người điên cuồng” đang đẩy sự phục hồi kinh tế của thành phố đến bờ vực hiểm nguy và đe dọa một lần nữa phong tỏa quận Navigli sau khi xuất hiện đám đông người trẻ Milan tụ tập ở một quán bar phớt lờ khoảng cách xã hội.
Với những chủ doanh nghiệp mở cửa trở lại sau dịch bệnh, quy định điều gì được phép làm và không được khiến họ lúng túng. Carlo Alberto, ông chủ quán bar TabaCafe, cho biết tuần này ông vừa mới mở cửa song đã bị dọa nhận giấy phạt của cảnh sát khi đám đông xếp hàng bên ngoài quán. “Tôi phải đuổi họ về ư. Họ cần một người bảo vệ để làm việc đó. Quy định không rõ ràng. Chúng tôi không biết chúng tôi có thể được làm gì”, Carlo chia sẻ.
Để đối phó với làn sóng tái bùng phát bệnh dịch, một số chính phủ cảnh báo sẽ áp dụng lại các biện pháp kiểm soát nếu như công chúng không tuân thủ các quy định giãn các xã hội. Tại Tây Ban Nha, hai thành phố lớn nhất Madrid và Barcelona vẫn duy trì lệnh phong tỏa. “Diễn biến lây lan đại dịch đang chậm lại, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ tái bùng phát dịch và có thể kéo theo một thảm họa nghiêm trọng. Trách nhiệm của mỗi cá nhân là cực kỳ quan trọng”, quan chức y tế Tây Ban Nha Fernando Simón nhấn mạnh.
Sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) từ cuối năm ngoái, dịch bệnh COVID-19 đã lây lan ra 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến sáng 10/5, thế giới ghi nhận tổng cộng trên 4,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó trên 280.400 ca tử vong.