Người phát ngôn của Bộ chỉ huy Tác chiến Lực lượng Vũ trang Ba Lan Jacek Horyshevskyi, nêu rõ: "Phòng không Ukraine đã đánh giá rằng hầu hết tên lửa của Nga đều đến từ phía Đông hoặc phía Bắc. Vì vậy, các lực lượng Nga đã điều chỉnh hướng tấn công tên lửa nhằm đánh trúng các mục tiêu trong Ukraine từ hướng Tây. Do đó tên lửa đã bay vòng qua lãnh thổ Ba Lan".
Ông Horyshevskyi xác nhận quyết định không bắn hạ tên lửa là do Bộ chỉ huy Tác chiến trên đưa ra, giải thích rằng điều này dựa trên thông tin từ hệ thống radar của quân đội Ba Lan khi đánh giá về quỹ đạo, tốc độ và độ cao khi bay của tên lửa cho thấy nó sẽ rời khỏi không phận của nước này.
Theo ông Horyshevskyi, bắn hạ tên lửa sẽ gây rủi ro cho người dân địa phương vì tên lửa nặng hơn 2 tấn, trong đó đầu đạn nặng 400 kg. "Sau khi tên lửa bị bắn hạ, các mảnh vỡ có thể rơi xuống lãnh thổ của chúng tôi. Tên lửa mà chúng tôi sử dụng để bắn hạ tên lửa Nga cũng sẽ rơi xuống bệnh viện hay trường học”, người phát ngôn trên lưu ý.
Ông Horyshevskyi nhấn mạnh nếu tên lửa bay sâu vào lãnh thổ Ba Lan, quyết định bắn hạ có thể được đưa ra dựa trên sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu F-16 đang làm nhiệm vụ.
Ngày 24/3, một tên lửa của Nga đã bay qua không phận Ba Lan. Sau đó, Bộ Ngoại giao nước này đã triệu tập Đại sứ Nga tại Warsaw để yêu cầu giải thích. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz cho hay, tất cả hệ thống phòng không, không quân của Ba Lan đã chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu để đối phó với mối đe dọa có thể phát sinh. Các hệ thống này đã giám sát hơn 10 tên lửa bay về hướng tỉnh Lviv của Ukraine, đồng thời chia sẻ thông tin với Ukraine.
Bên cạnh đó, Ba Lan đã tuyên bố ý định tăng cường hiện diện quân sự ở phía Đông - đặc biệt là ở các khu vực biên giới với Belarus, Nga, Litva và Ukraine. Bộ Quốc phòng Ba Lan thông báo đây sẽ là "sự hiện diện thường trực" nhằm ứng phó với các tình huống khẩn cấp.