Nhà lãnh đạo Australia nhấn mạnh những hành động của Facebook sẽ chỉ xác nhận mối quan ngại của ngày càng nhiều nước về việc các công ty công nghệ lớn cho rằng mình có quyền hạn cao hơn chính phủ và các quy định không áp dụng với họ.
Trong khi đó, Thủ hiến bang Western Australia Mark McGowan hối thúc Chính phủ Mỹ hỗ trợ Australia giải quyết vấn đề. Theo ông, vấn đề này nằm ngoài mối quan hệ song phương giữa Australia và Mỹ.
Về phần mình, người phát ngôn của Công đảng đối lập tại Australia Michelle Rowland nhấn mạnh đã có rất nhiều phân tích về việc liệu Facebook có trở thành sản phẩm kém hấp dẫn hơn nếu bỏ đi nội dung tin tức hay không. Australia đã trở thành khu vực thí điểm khi là nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận tình trạng này.
Không chỉ riêng chính quyền, mà nhiều công ty, tổ chức từ thiện và nhà cung cấp thông tin tại Australia đã tỏ ra bất bình trước động thái của Facebook, đồng thời hối thúc mạng xã hội này khôi phục lại các trang của họ. Foodbank Australia, một trong những tổ chức từ thiện tại Australia, đã tuyên bố phản ứng của Facebook là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành tổ chức Save the Children Paul Ronalds nhấn mạnh tổ chức từ thiện này đang phụ thuộc vào Facebook để liên lạc với những người ủng hộ và các thành viên.
Facebook cũng là công cụ gây quỹ quan trọng, giúp tổ chức tiếp cận các nhà hảo tâm muốn giúp đỡ những trẻ em dễ bị tổn thương nhất trên khắp thế giới. Do đó, mỗi phút trang Facebook của tổ chức này ngừng hoạt động, thì đồng nghĩa với việc thông điệp về nhu cầu của trẻ em không được lan tỏa.
Tại Mỹ, Chủ tịch tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ, nghị sĩ đảng Dân chủ David Cicilline đã viết trên mạng Twitter rằng việc buộc cả một đất nước phải chấp thuận quy định của Facebook là hành động thể hiện sự độc quyền.
Trước đó, ngày 17/2, Facebook thông báo sẽ hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Australia. Chỉ trong một đêm, Facebook đã xóa toàn bộ nguồn cung cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Australia, động thái được xem là phản ứng với kế hoạch của Chính phủ Australia dự kiến thông qua dự luật buộc các nền tảng số phải trả phí cho những nội dung thông tin.
Một số dịch vụ khẩn cấp của Australia ngày 18/2 thông báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau lệnh cấm của Facebook. Đến chiều cùng ngày, Facebook đã khôi phục các trang dịch vụ của chính phủ, song vẫn còn các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng. Điều này đã dẫn đến nhiều lời kêu gọi người dùng xóa bỏ ứng dụng này.
Facebook hiện có trên 11 triệu người dùng tại đất nước Australia có 25 triệu dân, giúp mạng xã hội thu về tới 24% khoản tiền quảng cáo tại nước này.