Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phát biểu được bà Reynolds đưa ra khi tham gia một cuộc họp được tổ chức tại thành phố Perth, Australia.
Đất hiếm hay các kim loại công nghệ đang được sử dụng khá phổ biến trong các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, hệ thống điện tử hàng không, vũ khí công nghệ. Nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện nay có thể khiến nguồn cung bị bóp nghẹt, bởi Trung Quốc sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm trên toàn cầu trong khi Mỹ nhập hơn 80% đất hiếm mỗi năm từ Trung Quốc.
Bà Reynolds cho biết Australia là quốc gia giàu tài nguyên, trong đó có đất hiếm và các loại kim loại công nghệ khác. Do đó, Australia có thể đảm bảo nguồn cung mặt hàng này cho các đồng minh của mình như Mỹ và Anh.
Theo Bộ trưởng Reynolds, Australia hiện sở hữu khoảng 40% trữ lượng đã xác định của những kim loại quan trọng như lithium, cobalt, nickel, than chì.
Bà nói thêm rằng các cuộc đàm phán về việc Australia sẽ trở thành nguồn cung đất hiếm đã được triển khai với các đối tác từ Anh và Mỹ.
Trong khi đó, ông Jeffrey Wilson, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu chính sách Perth USAsia Centre cho biết hiện hoạt động thương mại liên quan đến đất hiếm đạt giá trị khoảng 350 triệu USD mỗi năm. Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực này, cũng như nắm giữ một thị phần lớn về những vật liệu đã qua chế biến khá quan trọng như carbonate, nam châm và dysprosium. Với trường hợp của dysprosium - vật liệu có thể được sử dụng trong nam châm cho xe điện hoặc thanh điều khiển của lò phản ứng hạt nhân - Trung Quốc chiếm 100% thị trường.
Ông Wilson nhận định việc Trung Quốc gần như nắm giữ độc quyền hoạt động thương mại đất hiếm có nghĩa là không có thị trường quốc tế thực sự hoặc đáng tin cậy nào khác cho mặt hàng này. Chuyên gia Wilson cảnh báo sức mạnh thống lĩnh thị trường này sẽ mang lại cho Chính phủ Trung Quốc khả năng đáng kể trong việc kiểm soát và định hình các hoạt động thương mại toàn cầu.