Australia lập cơ sở chuyên nghiên cứu về các vụ cháy rừng

Cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia Australia thông báo mở một phòng thí nghiệm mới phục vụ nghiên cứu về các vụ cháy rừng nhằm tăng cường năng lực ứng phó và hồi phục sau thảm họa. 

Chú thích ảnh
Khói lửa bốc lên tại đám cháy rừng gần sông Margaret, Australia ngày 8/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cháy rừng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất tại Australia. Hơn 24 triệu ha đất rừng đã bị thiêu rụi và 34 người thiệt mạng trong các mùa cháy rừng năm 2019 và 2020 ở Australia. Trước thách thức này, ngày 17/3, Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) - cơ quan của Chính phủ Australia chịu trách nhiệm nghiên cứu khoa học - đã khai trương trung tâm nghiên cứu cháy rừng quốc gia tại Canberra. Cơ sở nghiên cứu có vốn đầu tư 2,1 triệu AUD (1,5 triệu USD) với đội ngũ các nhà nghiên cứu có chuyên môn cao sẽ thực hiện các nhiệm vụ nhằm tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm của các đợt cháy rừng, các yếu tố làm gia tăng mức độ nghiêm trọng và các cách thức tốt nhất để ứng phó với các đợt cháy rừng. Phòng nghiên cứu mới có một mô hình với thiết kế đặc biệt để có thể mô phỏng các vụ cháy rừng trong thực tế dưới các điều kiện có kiểm soát để giúp các chuyên gia có cơ sở để phân tích chi tiết từ đó hiểu hơn về các vụ cháy rừng. 

Cùng ngày, Đại học Quốc gia Australia công bố kết quả nghiên cứu mới cho thấy chỉ số chất lượng môi trường quốc gia của nước này năm 2021 đã tăng gấp đôi so với năm trước đó nhờ các đợt mưa lớn. Theo đó, điểm điều kiện môi trường quốc gia Australia năm 2021 đạt 6,9 điểm trên thang điểm 10. Mức điểm này phản ánh sự cải thiện rõ rệt so với mức 3 điểm của năm 2020, cả 8 bang và vùng lãnh thổ trên cả nước ghi nhận sự cải thiện về môi trường. 

Báo cáo chỉ ra lượng mưa trung bình năm 2021 tại Australia là 542 mm, mức cao nhất kể từ năm 2016 và cao hơn 10% so với mức trung bình trong giai đoạn 2000-2020. Nhờ đó, nguồn cung nước cho các thành phố lớn dồi dào hơn. Lượng khí thải carbon toàn quốc cũng giảm 1,9% so với năm 2020. Số ngày có nhiệt độ tối đa vượt 35 độ C cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 2011. Tác giả chính của nghiên cứu Albert van Dijk cho biết điểm môi trường Australia cải thiện rõ rệt trong năm 2021 là nhờ lượng mưa cao hơn và nhiệt độ thấp hơn, đều ở các mức chưa từng có trong vòng 8 năm trở lại đây. Hầu hết các bang và vùng lãnh thổ đều ghi nhận sự cải thiện về môi trường khi số vụ cháy giảm và tình trạng hạn hán cũng bớt khắc nghiệt hơn trong khi lượng mưa tăng giúp bồi đắp dinh dưỡng cho đất khô cằn, cải thiện hệ sinh thái.

Lê Ánh (TTXVN)
Cháy rừng ở Australia có thể liên quan đến tình trạng suy giảm tầng ozone
Cháy rừng ở Australia có thể liên quan đến tình trạng suy giảm tầng ozone

Khói từ các đám cháy rừng dữ dội tại Australia vào mùa Hè năm 2019-2020 có khả năng liên quan đến thực trạng suy giảm đáng kể tầng ozone.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN