Theo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo thừa nhận rằng, cùng với việc Iran thực thi đầy đủ và hiệu quả các cam kết liên quan đến hạt nhân, việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bao gồm những hậu quả phát sinh là một yếu tố then chốt của JCPOA. Bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran là hành động tôn trọng các thỏa thuận quốc tế, thúc đẩy an ninh, hòa bình và ổn định.
Mỹ rút khỏi JCPOA vào tháng 5 và tuyên bố khôi phục các biện pháp trừng phạt chống Iran qua nhiều đợt liên tiếp. Các biện pháp hạn chế tài chính được đưa ra vào mùa hè vừa qua và các biện pháp trừng phạt năng lượng được lên kế hoạch vào ngày 4/11. Bất chấp việc Washington rút khỏi thỏa thuận, các nước ký kết khác, bao gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh vẫn khẳng định cam kết của mình đối với JCPOA.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng nêu vấn đề Bắc Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại Hiệp ước về sự không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo kêu gọi Triều Tiên phá dỡ hoàn toàn tất cả các vũ khí hạt nhân, các loại vũ khí hủy diệt khác, tên lửa đạn đạo cũng như các chương trình và cơ sở hạt nhân, phù hợp với các nghị quyết liên quan của của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC)... Trong bối cảnh này, các lãnh đạo kêu gọi Triều Tiên nhanh chóng trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí, các biện pháp an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và hợp tác với hệ thống giám sát của IAEA.
Các đoàn đại biểu tham dự hội nghị cũng đã công bố trong tuyên bố chung rằng các nước sẽ thúc đẩy hợp tác về an ninh trong các khu vực khác nhau trên thế giới.
Tuyên bố chung cho biết các nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về cách thức thúc đẩy và tăng cường hợp tác cho các giải pháp hòa bình và an ninh vì lợi ích chung tại Afghanistan, Syria, Trung Đông, Bắc Phi và Ukraine.