Hai bên nhất trí tiếp tục đối thoại cũng như hợp tác tiến bộ và toàn diện; làm sâu sắc hơn hợp tác giữa ASEAN và Nga trong khuôn khổ các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; tăng cường lòng tin chiến lược thông qua hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN triển khai 4 lĩnh vực hợp tác trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP); đề cao tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm quyền tự quyết, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực.
Hai bên sẽ tăng cường hợp tác chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tội phạm xuyên quốc gia và buôn lậu ma túy; thúc đẩy hợp tác và khuyến khích các sáng kiến chung về an ninh; tăng cường an ninh lương thực khu vực, thúc đẩy hợp tác ngành liên quan và các dự án mới; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải, hàng không và thông thương; tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc được nêu trong Hiến chương LHQ, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Hai bên cũng nhất trí tạo thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực an ninh năng lượng và phát triển bền vững; nỗ lực triển khai hiệu quả Lộ trình Hợp tác Thương mại và Đầu tư ASEAN-Nga sửa đổi và Chương trình Công tác Thương mại và Đầu tư ASEAN-Nga (2021-2025); thúc đẩy hợp tác thiết thực và tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, hàng hải, kết nối, kinh tế số; tăng cường hợp tác quản lý thiên tai, phòng chống đại dịch, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học; tìm hiểu khả năng hợp tác thực tế về các vấn đề cùng quan tâm giữa ASEAN với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO); khuyến khích các sáng kiến chung mới giữa các viện nghiên cứu, trường đại học; và thăm dò hợp tác giữa các thành phố ASEAN và Nga trong khuôn khổ Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN).