ASEAN tổ chức hội nghị đối tác về phục hồi hậu đại dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, nhằm tăng cường phối hợp liên ngành và liên trụ cột giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các bên liên quan và các đối tác trong việc triển khai Khuôn khổ Phục hồi toàn diện ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) vừa tổ chức Hội nghị đối tác đầu tiên với chủ đề “Hướng tới khả năng ứng phó và phục hồi hậu đại dịch COVID-19 tại ASEAN”.

Chú thích ảnh
ASEAN hướng tới khả năng ứng phó và phục hồi hậu đại dịch COVID-19. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bali, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Tham dự hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến này có 222 đại biểu, gồm lãnh đạo các phòng, ban của ASCC, Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (SOCA), Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN, đại diện các đối tác đối thoại theo ngành và các đối tác phát triển của ASEAN, các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ), các tổ chức quốc tế và Ban thư ký ASEAN.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách ASCC Kung Phoak nhấn mạnh các nỗ lực phục hồi của khu vực cần được thực hiện một cách có hệ thống và có sự phối hợp với các bên liên quan và các đối tác, đồng thời khẳng định rằng chính phủ các nước thành viên ASEAN đơn lẻ không thể hoàn thành các nhiệm vụ lớn này.

Về phần mình, Chủ tịch SOCA - ông Hajah Nor Ashikin Binti Haji Johari - đánh giá rằng hội nghị đối tác sẽ tối đa hóa các nguồn lực hiện có, nhằm thực hiện các ưu tiên đã xác định của Hội nghị Điều phối Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (SOC-COM). Những ưu tiên này là phù hợp với chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2021 của Brunei, trong đó đặt hạnh phúc của người dân là chương trình nghị sự tổng thể hàng đầu của ASEAN.

Tại hội nghị, 15 cơ quan ngành của ASCC đã trình bày các lĩnh vực ưu tiên của mình và xác định các hoạt động liên quan được lên kế hoạch cho 5 năm tới, nhằm thúc đẩy ý thức về chương trình nghị sự của khu vực, cũng như duy trì các nỗ lực xây dựng ASCC hướng tới sự phục hồi hậu đại dịch.

Về phần mình, các đối tác đối thoại theo ngành gồm Australia, Canada, Italy, Hàn Quốc, New Zealand, Thụy Sĩ và Mỹ; các cơ quan của LHQ bao gồm Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) và Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women); và các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) và Tổ chức bảo trợ bệnh nhân Alzheimer quốc tế đã ghi nhận các cam kết chung của các cơ quan ngành của ASCC và các lĩnh vực được xác định mà hai bên cùng quan tâm hợp tác. 

Kết thúc hội nghị, các đại biểu bày tỏ tin tưởng rằng cuộc đối thoại lần này sẽ tiếp tục dẫn đến các hành động cụ thể giữa các cơ quan ngành của ASCC và các đối tác, tạo cơ sở cho các nỗ lực của ASEAN hậu đại dịch COVID-19, trên tinh thần một cộng đồng quan tâm, chuẩn bị và thịnh vượng trong mọi hành động của mình.

Hữu Chiến (TTXVN)
Trí thức trẻ ASEAN và Nhật Bản nêu đề xuất giảm ô nhiễm rác nhựa đại dương
Trí thức trẻ ASEAN và Nhật Bản nêu đề xuất giảm ô nhiễm rác nhựa đại dương

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 16/3, 22 trí thức trẻ đại diện cho thế hệ tương lai của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản đã thông qua tuyên bố chung, trong đó bày tỏ các quan ngại về vấn đề rác nhựa đại dương và nêu ra 13 đề xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN