Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Kőrösi nhấn mạnh thế giới đang chứng kiến ngày càng nhiều xung đột vũ trang với tính chất nghiêm trọng, phức tạp và khó giải quyết hơn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 ở nhiều quốc gia, khu vực. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các cơ chế của LHQ, nhất là Hội đồng Bảo an, Ủy ban Xây dựng Hòa bình LHQ và các quốc gia thành viên cần tăng cường hợp tác để tìm giải pháp ngăn ngừa xung đột mới, giải quyết hiệu quả xung đột hiện có và duy trì hòa bình, phát triển bền vững trong giao đoạn hậu xung đột.
Phát biểu thay mặt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nêu rõ bản chất của các cuộc xung đột hiện nay đã có sự thay đổi và trở nên khó đoán định, đặt ra thách thức lớn hơn đối với các nỗ lực xây dựng và gìn giữ hòa bình. Đại sứ nhấn mạnh ASEAN mong muốn cộng đồng quốc tế có nhiều nỗ lực và cam kết đa phương hơn nữa để giải quyết xung đột thông qua cách tiếp cận toàn diện và có sự phối hợp chặt chẽ, trong đó cần tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định cam kết vững chắc của ASEAN đối với các nỗ lực gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình của LHQ, sẵn sàng thúc đẩy can dự và hợp tác với các đối tác đối thoại và đối tác ngoài khu vực, kể cả thông qua các cơ chế hiện có do ASEAN dẫn dắt, để thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển, đồng thời tăng cường khả năng tự cường của khu vực trước các thách thức đang nổi lên. Đại diện ASEAN kêu gọi các bên liên quan cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về nguồn lực cho xây dựng hòa bình; khuyến khích đảm bảo sự tham gia đầy đủ, công bằng và có ý nghĩa của phụ nữ ở tất cả các cấp độ khác nhau của tiến trình hòa bình.
Ủy ban Xây dựng Hòa bình (PBC) được thành lập theo các nghị quyết số A/RES/60/180 của Đại hội đồng LHQ và số S/RES/1645 của HĐBA năm 2005, có chức năng tư vấn cho LHQ trong xây dựng và duy trì hòa bình bền vững ở các quốc gia bị ảnh hưởng xung đột. PBC gồm 31 quốc gia thành viên, trong đó 21 thành viên được bầu từ Đại hội đồng, HĐBA và Hội đồng Kinh tế và Xã hội; 5 thành viên là các quốc gia đóng góp tài chính hàng đầu và 5 thành viên khác là các quốc gia đóng góp quân số nhiều nhất cho lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ.