Hội nghị cũng sẽ dựa trên di sản lâu dài và sâu sắc của hai bên trong hợp tác kinh tế và đối thoại chính trị để củng cố mối quan hệ hữu nghị hiện nay và hướng tới tương lai trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Nhân sự kiện đặc biệt này, phóng viên TTXVN thường trú tại Sydney đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia, học giả tại địa bàn.
Theo nhận định của Giáo sư danh dự Hal Hill, làm việc tại Trường chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), mối quan hệ giữa Australia và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện rất tốt đẹp và gần gũi. Đã diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, đi lại giữa người dân Australia và người dân các quốc gia ASEAN, các sinh viên du học, hoạt động thương mại, nhập cư diễn ra sôi động… Nhìn chung, Australia và ASEAN chia sẻ nhiều lợi ích chung.
Giáo sư Hal Hill cho rằng ASEAN và Australia gần gũi với nhau về địa lý. Điều này cũng mang lại sự thịnh vượng cho Australia với tư cách là láng giềng của một khu vực năng động, cởi mở và ổn định. Đó là yếu tố rất tích cực và hai bên hoàn toàn có thể tham vọng hơn nữa về mối quan hệ song phương, nỗ lực nhiều hơn nữa để gặt hái được những “trái ngọt”.
Theo Giáo sư Hal Hill, nếu nhìn vào hoạt động đầu tư của Australia trên quy mô toàn cầu có thể thấy ASEAN thực sự chiếm một phần nhỏ, chưa đến 10% tỷ trọng đầu tư của Australia. Chủ yếu Australia tập trung vào giao thương với khối khu vực này. Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp Australia vẫn còn dè dặt và điều họ cần làm bây giờ là tham vọng hơn, không nên để “lỡ chuyến tàu ASEAN” bởi ASEAN là nền kinh tế năng động.
Bên cạnh đó, mặc dù Australia có rất nhiều mối quan hệ với ASEAN, nhưng các lãnh đạo cấp cao, các nhà điều hành doanh nghiệp lớn của quốc gia châu Đại Dương này chưa hiểu sâu sắc về các nước ASEAN. Điều này cần phải được thay đổi. Giáo sư Hal Hill cho rằng Australia và ASEAN năm 1974 rất khác so với Australia và ASEAN của năm 2024. Nền kinh tế ASEAN hiện nay lớn hơn Australia. Các nhà lãnh đạo ASEAN hiện nay tự tin hơn nhiều về vị thế của họ trên toàn cầu. Chính vì vậy, Australia cần theo kịp với thực tế mới của ASEAN.
Bên cạnh đó, sự hiểu biết và nền tảng kiến thức của Australia về ASEAN cũng suy giảm. Trước đây, Australia từng có rất nhiều các chương trình dạy ngôn ngữ của các nước ASEAN trong các trường đại học hoặc các chương trình nghiên cứu chuyên sâu về ASEAN trong các lĩnh vực như kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, hiện giờ, các chương trình đó không còn được duy trì nhiều. Giáo sư Hal Hill cũng cho rằng Australia cần học hỏi nhiều hơn từ chính sách đối ngoại của các nước ASEAN, cũng như cách khối này triển khai chính sách đối ngoại của mình. Có thể nói, ASEAN đã tìm được những lối đi riêng cho mình và lối đi đó đã phát huy được hiệu quả.
Bình luận về Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia sắp tới, Giáo sư Hal Hill cho rằng ASEAN-Australia cần đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về việc giữ cho thị trường toàn cầu mở vì lợi ích của tất cả các bên. Ngoài ra, hai bên cũng có thể đưa ra những tuyên bố chung quan trọng như kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, giải quyết và chấm dứt xung đột ở Ukraine, tuyên bố về tính cấp bách của biến đổi khí hậu, về quá trình thực hiện các mục tiêu của hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) và Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu hằng năm…
Theo Giáo sư Hal Hill, Australia và ASEAN cần thiết lập nền tảng kiến thức vững chắc hơn về nhau để hiểu nhau hơn, từ đó hợp tác giải quyết những thách thức chung toàn cầu. Ông đề xuất hội nghị sắp tới thành lập một cơ quan vững mạnh và hỗ trợ tài chính để giúp các học giả, cộng đồng nghiên cứu và các quan chức cấp cao của hai bên làm việc cùng nhau thường xuyên với các chương trình nghiên cứu mạnh mẽ tập trung vào những thách thức lớn trên toàn cầu. Cùng nhau, Australia và ASEAN có thể hợp tác chặt chẽ hơn nhiều nếu hai bên thành lập một tổ chức gồm các chuyên gia tư vấn độc lập, đó là các học giả và quan chức hàng đầu trong khu vực vực. Tổ chức này được các chính phủ tài trợ nhưng độc lập với các chính phủ
Bên cạnh đó, Giáo sư Hal Hill cho biết Australia hiện cung cấp khá nhiều học bổng cho sinh viên nước ngoài, bao gồm cả sinh viên đến từ các quốc gia ASEAN. Vì vậy, Australia và ASEAN nên thiết lập một chương trình học bổng có uy tín cao dành cho các sinh viên ưu tiên nghiên cứu sinh tiến sĩ, được gọi là Chương trình học bổng các nhà lãnh đạo tương lai châu Á. ASEAN và Australia cần phát triển các sáng kiến để có thể làm việc cùng nhau chặt chẽ hơn và xác định các vấn đề lớn muốn cùng nhau giải quyết, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, duy trì thị trường mở, đảm bảo rằng hai bên hiểu nhau hơn về mặt xã hội và nền kinh tế.
Hội nghị cấp cao đặc biệt này được cho là cơ hội để tăng cường hơn nữa sự hợp tác của Australia với ASEAN và những cam kết chung của hai bên đối với mối quan hệ hợp tác hiện nay, sự tăng trưởng và thành công của khu vực. Tuy nhiên, theo Giáo sư Hal Hill, thách thức là phải đảm bảo tuyên bố phải được biến thành hành động cụ thể, hữu hình.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Sydney, chuyên gia Greg Earl – phụ trách chuyên mục ngoại giao kinh tế cho trang “The Interpreter” của Viện Lowy, cựu thành viên Hội đồng Australia-ASEAN và là cựu phóng viên về khu vực Đông Nam Á của tờ “The Australia Financial Review” - cho rằng mối quan hệ ASEAN-Australia đã trở nên quan trọng hơn trong 50 năm qua. Australia đánh giá cao rằng an ninh và thịnh vượng của nước này được hưởng lợi từ mối quan hệ hòa bình và hội nhập kinh tế giữa các nước láng giềng châu Á gần nhất. Theo ông, có nhiều lĩnh vực mà ASEAN và Australia có thể hợp tác trong tương lai, đặc biệt cách quản lý sự cạnh tranh giữa các siêu cường ở châu Á. Australia và các nước thành viên ASEAN chỉ là các cường quốc bậc trung hoặc thậm chí là các nước nhỏ. Vì vậy, họ thực sự chỉ có thể gây ảnh hưởng nếu họ hợp tác cùng nhau chứ không phải riêng lẻ.
Tương tự, với tư cách là các nền kinh tế nhỏ hoặc trong một số trường hợp là trung bình, Australia và các nước ASEAN có thể hợp tác nhiều hơn về mặt hội nhập kinh tế bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn chung về sản phẩm và kỹ năng để hàng hóa và dịch vụ có thể lưu chuyển trong khu vực một cách liền mạch hơn. Australia có nhiều kỹ năng dịch vụ cần thiết cho sự phát triển ở một số nước ASEAN, trong khi các nước ASEAN sản xuất nhiều sản phẩm và có lực lượng lao động cần thiết ở Australia. Nói tóm lại, hai bên sẽ được hưởng lợi từ việc hội nhập kinh tế nhiều hơn để có thể huy động sức mạnh kinh tế của mình nhằm cải thiện sự tăng trưởng kinh tế tổng thể.