Mỹ và Armenia đã thông báo rằng họ có ý định nâng quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược”, với việc Washington giúp đỡ Yerevan về thương mại, các vấn đề quân sự, hệ thống tư pháp và nền dân chủ, kênh RT (Nga) đưa tin.
Quốc gia Caucasus không giáp biển này từ lâu đã là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự do Nga đứng đầu. Tuy nhiên, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đóng băng tư cách thành viên của Yerevan trong CSTO và ngày 12/6 tuyên bố sẽ rút khỏi tổ chức này, sau khi đổ lỗi cho Nga không ngăn cản Azerbaijan giành lại quyền kiểm soát khu vực tranh chấp lâu dài Nagorny-Karabakh.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được triển khai đến khu vực vào năm 2020, sau khi Azerbaijan giành lại các phần của Nagorny-Karabakh trong cuộc xung đột với lực lượng người Armenia địa phương. Thủ tướng Pashinyan đã công nhận quyền kiểm soát của Baku đối với khu vực và cho rằng điều này là "không thể tránh khỏi".
Trong bối cảnh mới, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan ngày 11/6 đã tiếp đón Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Châu Âu và Á-Âu James O'Brien tại Yerevan. Một tuyên bố chung được đưa ra nhân dịp này “ghi nhận nguyện vọng của Armenia trong việc hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức Châu Âu-Đại Tây Dương và phương Tây”.
Thông cáo nêu rõ: “Mỹ và Armenia tái khẳng định cam kết của họ đối với các giá trị dân chủ chung và mục tiêu là một Armenia dân chủ, thịnh vượng và hòa bình” .
Ông O'Brien và Ngoại trưởng Mirzoyan cho rằng quan hệ giữa hai nước sẽ được nâng cấp trong năm tới. Cả hai bên sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại và kinh doanh, cùng với việc “tăng cường hợp tác về các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu”.
Theo thông cáo, Mỹ sẽ đưa ra “các giải pháp thương mại về năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo” để thúc đẩy “an ninh lương thực và độc lập về năng lượng” của Armenia.
Washington cũng cam kết sẽ tiếp tục “chuyển đổi quốc phòng” của Armenia, đồng thời giúp cảnh sát Armenia “tăng cường trách nhiệm giải trình và tính bền vững”.
Yerevan thừa nhận “những đóng góp đáng kể của Mỹ cho các nỗ lực cải cách ngành tư pháp của Armenia”, trong khi Mỹ cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ “những nỗ lực của Armenia nhằm thúc đẩy sự công bằng, liêm chính và độc lập trong tư pháp,” cũng như các thể chế “tập trung vào việc ngăn chặn và chống tham nhũng và các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”.
Mỹ cũng cam kết tài trợ nhiều hơn cho “một xã hội dân sự vững mạnh và môi trường truyền thông độc lập” ở Armenia.
Chính phủ Armenia cũng đã đề nghị Pháp cung cấp công nghệ quân sự và được cho là đã đề nghị nước này như một điểm đến khả thi cho những người xin tị nạn bị Anh từ chối.
Tháng trước, ông O'Brien đã đến thăm Gruzia, nước láng giềng của Armenia trong nỗ lực ngăn chặn chính phủ ở Tbilisi áp dụng luật “các cơ quan đại diện nước ngoài”, nhưng những cảnh báo trừng phạt và cắt giảm nguồn tài trợ của Mỹ để “ủng hộ nền dân chủ” cuối cùng đã không thành công.