Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, hai công ty Chrysaor Holdings Limited và Harbour Energy Plc. có trụ sở tại Anh và công ty Navitas Petroleum LP của Israel được cho là có “giấy phép không hợp lệ của chính quyền phi pháp ở quần đảo Malvinas” để tiến hành các hoạt động ở lưu vực phía Bắc quần đảo này. Giới chức Argentina cho rằng các công ty trên không chỉ vi phạm các quy định liên quan tới việc cấm khai thác dầu khí ở khu vực thềm lục địa nước này khi không được sự cho phép của chính phủ, mà còn vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc về việc cả hai bên tranh chấp không được có hành động đơn phương mà không có sự chấp thuận của phía bên kia.
Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Malvinas, Đại Tây Dương và Nam Đại Tây Dương của Argentina, ông Daniel Filmus khẳng định quyết định của Argentina nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức đa phương, đồng thời cảnh báo đã có một số tai nạn liên quan dự án khai thác này cho dù chưa để lại hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, năm 2020, Chính phủ Argentina cũng đã gửi công hàm cảnh báo tới các công ty Navitas và Chrysaor rằng vùng quần đảo Malvinas/Falklands, Nam Georgias, Nam Sandwich và vùng biển lân cận đều thuộc chủ quyền của Argentina. Do đó, mọi hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại đây cần phải tuân thủ luật pháp của nước này.
Quần đảo Malvinas/Falklands nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650 km và cách Anh gần 8.000 km. Tranh chấp chủ quyền liên quan tới khu vực nói trên có từ những năm 1820 khi Argentina tiếp quản quần đảo này từ Tây Ban Nha và triển khai lực lượng quân sự đến đó. Tuy nhiên, đến năm 1883, Anh chiếm giữ những hòn đảo này và khẳng định chủ quyền tại đây. Năm 1982, quân đội Anh và Argentina từng có cuộc giao tranh đẫm máu liên quan đến chủ quyền quần đảo Malvinas/Falklands khiến hàng trăm binh lính của hai bên bị thiệt mạng.