Argentina sẽ bảo vệ tài nguyên dầu khí tại Malvinas

Ngoại trưởng Argentina Héctor Timerman ngày 15/3 cho biết, nước này sẽ đưa ra các biện pháp “hành chính, dân dự và hình sự” đối với các công ty của Anh được Luân Đôn cấp “giấy phép bất hợp pháp” thăm dò dầu khí tại quần đảo Malvinas tranh chấp giữa hai nước. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Buenos Aires, Bộ trưởng Timerman nhấn mạnh biện pháp trên- được đưa ra “theo lệnh của Tổng thống Cristina Fernández”- cũng sẽ được áp dụng đối với các công ty hỗ trợ về tài chính và hậu cần cho hoạt động tìm kiếm dầu khí đơn phương đó. 


Ngoại trưởng Timerman thông báo các biện pháp trừng phạt các công ty Anh tại cuộc họp báo. Nguồn: BNG Argentina.


Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Argentina, Buenos Aires sẽ kiện các công ty trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia tìm kiếm dầu khí tại Malvinas tại tòa án trong nước hoặc quốc tế. Bộ ngoại giao Argentina đã thành lập một nhóm các chuyên gia pháp lý để tiến hành công việc này.

Cách đây 30 năm, ngày 2/4/1982,  chính quyền độc tài tại Argentina cho quân đổ bộ lên Malvinas bị Anh xâm chiếm từ năm 1833 nhằm lấy lại quần đảo này nhưng đã bị thất bại. Trong cuộc chiến kéo dài 74 ngày đã có 649 binh sĩ Argentina, 255 binh sĩ Anh và 3 thường dân thiệt mạng.

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị gián đoạn do cuộc chiến trên nhưng đã được nối lại năm 1990. Năm 1995, hai nước đã ký Tuyên bố chung về về hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Malvinas. Tuy nhiên, năm 2007, Argentina đã quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bản này do Anh đơn phương tổ chức đấu thầu thăm dò và khai thác dầu khí ở đây.

Theo Bộ trưởng Timerman, hiện tại các công ty dầu khí Falkland Oil & Gas, Argos Petroleum, Rockhopper, Desire Petroleum và Borders & Southern Petroleum đang hoạt động tại Malvinas với giấy phép bất hợp pháp do Luân Đôn cấp.

Ngoài ra, có 7 công ty hỗ trợ hậu cần và nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho hoạt động thăm dò dầu khí tại quần đảo tranh chấp, trong đó có các ngân hàng, các công ty tư vấn, môi giới chứng khoán, kiểm toán, các nhà phân tích rủi ro đầu tư…

Bộ trưởng cho biết, Argentina sẽ thông báo cho các công ty dính líu tới việc thăm dò dầu khí tại Nam Đại Tây Dương để họ tôn trọng nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) yêu cầu Anh đàm phán với Argentina về chủ quyền Malvinas.

Với tổng diện tích vùng biển bao quanh có khả năng khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2, Malvinas được các chuyên gia đánh giá là có tiềm năng dầu khí khổng lồ. Có chuyên gia nhận định trữ lượng dầu mỏ ở đây đạt 3 tỷ thùng, nhưng có ý kiến cho rằng trữ lượng có thể lên tới 60 tỷ thùng.

Cũng nằm trong chiến lược ép Anh ngồi vào đàm phán về chủ quyền Malvinas, đầu tháng này, Tổng thống Cristina đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Timerman thương lượng lại với Anh về các chuyến bay tới quần đảo. 

Căn cứ vào thỏa thuận giữa hai nước ký năm 1999, hiện tại hãng hàng không LAN của Chilê thực hiện mỗi tuần 2 chuyến bay từ Punta Arena (Chilê) tới quần đảo, trong đó dừng chân tại thành phố Río Gallegos của Argentina. 

Tổng thống Cristina đề nghị đàm phán lại để các chuyến bay này xuất phát từ Buenos Aires và do hãng hàng không quốc gia Aerolíneas Argentinas thực hiện, đồng thời tăng số lượng chuyến bay lên 3 chuyến/tuần.

Trong kỳ họp gần đây nhất của Đại hội đồng LHQ, bà Cristina đã dọa ngừng các chuyến bay trên nếu Luân Đôn tiếp tục từ chối đàm phán với Buenos Aires về chủ quyền đối với Malvinas mà Anh gọi là Falkland.

Đây là các chuyến bay thương mại duy nhất tới Malvinas nên một khi bị đình chỉ, nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trên quần đảo.

Tháng trước, Chính phủ Argentina kêu gọi các doanh nghiệp nước này tẩy chay nhập hàng hóa của Anh.


Quang Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN