Nền kinh tế lớn thứ ba của Mỹ Latinh ghi nhận một trong những tỷ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới. Tính theo tháng, tỉ lệ lạm phát 5,1% của tháng 12/2022 tiếp tục xu hướng giảm chung kể từ mức cao nhất 7,4% vào tháng 7. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát năm 2022 của Argentina tăng mạnh so với mức 50,9% từ năm 2021.Chính phủ Argentina đã đặt mục tiêu lạm phát năm 2023 là 60%.
Giá cả leo thang khiến người dân Argentina lo ngại. Theo công ty tư vấn Abeceb, giá các mặt hàng thiết yếu thường nhật đã tăng hàng tháng, thậm chí tăng theo tuần vào năm ngoái. Ví dụ, trong năm 2022, 1 lít sữa đã tăng 320%, trong khi dầu ăn tăng 456% và một kg đường tăng 490%. Mức tăng giá mạnh nhất được ghi nhận ở mặt hàng quần áo, giày dép, với mức tăng hơn 120%, trong khi các mặt hàng này được bán ở các khách sạn và nhà hàng tăng gần 109%.
Argentina đã vật lộn với khủng hoảng kinh tế trong nhiều năm, với lạm phát ở mức hai chữ số trong 12 năm qua. Nguyên nhân là do thâm hụt chi tiêu triền miên, đồng tiền mất giá liên tục và các yếu tố bên ngoài như cuộc xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng đến giá năng lượng và ngũ cốc.
Trong nỗ lực làm giảm lạm phát, chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez tháng 12/2022 đã đạt được thỏa thuận với các công ty thực phẩm và vệ sinh cá nhân nhằm giữ nguyên giá của khoảng 2.000 sản phẩm cho đến tháng 3, giới hạn mức tăng 4%/tháng đối với 30.000 sản phẩm khác. Kinh tế Argentina tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2022 so với mức tăng 10,3% của năm 2021.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng năm 2023 của Argentina dự kiến sẽ giảm xuống còn 2%. Nếu kịch bản này xảy ra, năm 2023 sẽ là lần đầu tiên sau 15 năm, nước này ghi nhận 3 năm tăng trưởng liên tiếp. Kinh tế Argentina đã có giai đoạn tăng trưởng 6 năm liên tiếp, từ năm 2003 đến 2008.