Theo hãng tin Reuters, nhà chế tạo iPhone này từng khởi động sáng kiến có tên gọi “Dự án Titan” từ năm 2014, thời điểm Apple bắt tay khởi động mẫu thiết kế ô tô điện từ con số không. Sau đó, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ từng có thời điểm bỏ qua kế hoạch này để tập trung vào mảng phần mềm, đánh giá lại mục tiêu vươn sang ngành chế tạo ô tô. Doug Field, một cựu binh của Apple từng làm việc cho hãng Tesla, quay trở lại phụ trách dự án vào năm 2018.
Kể từ đó, Apple đã có nhiều bước tiến và hiện hướng đến mục tiêu chế tạo xe hơi cho người tiêu dùng. Mục đích cuối cùng là tạo ra mẫu xe ô tô điện cá nhân cho thị trường đại trà, khác hẳn với kế hoạch mà một số đối thủ khác như hãng Waymo, chuyên về chế tạo taxi tự động để vận chuyển hành khách theo dịch vụ không người lái.
Điểm trung tâm trong chiến lược của Apple là thiết kế pin mới, có khả năng tiết giảm đáng kể giá thành, tăng thời gian sử dụng, giúp chạy được quãng đường dài hơn giữa hai lần sạc. Hiện Apple từ chối đưa ra bình luận trước thông tin mà Reuters đăng liên quan đến sản phẩm tương lai của hãng.
Tuy nhiên, Apple – một công ty chuyên về chế tạo các sản phẩm điện thoại, điện tử với hàng trăm tỉ USD tiền mặt trong két, sẽ phải đối mặt với thách thức về chuỗi cung khi lấn sân sang lĩnh vực mới.
Đơn cử như với Tesla, để khẳng định được vị thế của một ông lớn trong ngành ô tô điện như hiện nay, tập đoàn của tỉ phú Elon Musk từng mất 17 năm mới có được lợi nhuận từ ngành này. Một người làm việc trong Dự án Titan chia sẻ, nếu có một công ty nào trên thế giới đủ nguồn lực để theo đuổi dự án, thì đó chỉ có thể là Apple, nhưng đó lại không phải là điện thoại.
Hiện cũng chưa rõ đối tác nào sẽ là đơn vị đứng ra lắp ráp mẫu xe điện mang thương hiệu Apple. Một số nguồn tin cho biết công ty hy vọng sẽ dựa vào một đối tác sản xuất để chế tạo xe điện. Thậm chí, chưa thể loại trừ khả năng Apple sẽ quyết định giảm nỗ lực, đầu tư cho lĩnh vực này. Thay vì cho ra lò một xe điện mang thương hiệu Apple, công ty có thể dồn nguồn lực cho phát triển hệ thống lái tự động được tích hợp trên xe của các hãng ô tô thông thường.
Trước đó, Apple đã quyết định dựa vào các đối tác ngoài ngành để phát triển các nền tảng cấu thành của hệ thống lái tự động này, nổi bật là cảm biến quang học (lidar sensor), cho phép xe tự lái có được tầm bao quát đường sá theo không gian ba chiều. Xe điện của Apple vì thế cũng sẽ có nét đặc trưng khi được trang bị đa cảm biến quang học. Một số mẫu này có thể do chính đơn vị chuyên chế tạo cảm biến của Apple đảm nhận. Bởi mẫu iPhone 12 Pro và iPad Pro mới nhất của Apple cũng đã có tính năng của cảm biến Lidar được trang bị ở bộ phận ống kính.
Đối với pin, Apple có kế hoạch sử dụng thiết kế “monocell” đặc biệt, tích hợp các tế bào pin riêng lẻ đè lên nhau và giải phóng không gian bên trong khối pin bằng cách loại bỏ lớp vỏ đựng và các module chứa vật liệu pin. Thiết kế pin này sẽ cho phép các vật liệu có hoạt tính cao hơn khi được đóng gói, mở ra triển vọng xe điện chạy được quãng đường xa hơn giữa hai lần sạc so với mẫu pin lithium thông thường.
Để có được lợi nhuận, những nhà sản xuất xe cho các hãng như Apple thường đặt ra câu hỏi về sản lượng, mà đây lại là thách thức đối với cả ông lớn công nghệ nhưng lại là người “chân ướt, chân ráo” trong thị trường ô tô như Apple. Trên thực tế, để hiện thực hóa kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp, cần phải có mức sản lượng từ 100.000 xe trở lên. Một số yếu tố liên quan đến đại dịch có thể làm lịch trình này bị trì hoãn và lùi lại sang năm 2025 hoặc lâu hơn nữa.