APEC nhất trí tiếp tục thúc đẩy liên kết, kết nối kinh tế khu vực

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Kinh tế Diễn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC) đã diễn ra trong hai ngày 4 và 5/10 tại Bali, Indonesia, dưới sự đồng chủ tọa của Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa và Bộ trưởng Thương mại Gita Wirjawan.

Toàn cảnh hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Thương mại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)ngày 4/10 tại Bali. Ảnh: AFP/TTXVN.


Tham dự hội nghị AMM25 do Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa và Bộ trưởng Thương mại Gita Wirjawan của nước chủ nhà Indonesia đồng chủ trì có 23 bộ trưởng và nhiều thứ trưởng 21 nền kinh tế thành viên APEC, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam (ASEAN) Lê Lương Minh và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thành Sơn và Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu tham dự hội nghị.   Ngay sau phiên khai mạc được tổ chức trọng thể chiều ngày 4/10, các bộ trưởng đã tập trung đánh giá kết quả triển khai các ưu tiên hợp tác APEC năm 2013, đồng thời trao đổi nhiều vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế khu vực.

Hội nghị nhấn mạnh trong bối cảnh tiến trình phục hồi kinh tế thế giới còn mong manh, xu thế liên kết kinh tế khu vực được đẩy mạnh, APEC đứng trước nhu cầu cấp bách cần gia tăng hợp tác, đẩy mạnh tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy xu thế liên kết kinh tế và sự phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương.  

Các bộ trưởng cùng với Tổng giám đốc WTO đã trao đổi về những diễn biến mới nhất của Vòng đàm phán Doha, khẳng định ủng hộ mạnh mẽ để Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 diễn ra vào tháng 12 tới tại Bali đạt kết quả cụ thể, tạo nền tảng thúc đẩy Vòng đàm phán Doha và khôi phục lòng tin vào hệ thống thương mại toàn cầu.

Các Bộ trưởng kiến nghị các nhà lãnh đạo APEC thông qua một tuyên bố chung khẳng định quyết tâm chính trị và sự ủng hộ mạnh mẽ của APEC đối với WTO và hội nghị bộ trưởng sắp tới. 

Qua hai ngày làm việc khẩn trương, hội nghị đã thông qua nhiều định hướng quan trọng, nổi bật là tiếp tục thực hiện các mục tiêu Bogor, tăng cường kết nối khu vực, bao gồm kết nối cơ sở hạ tầng, kết nối thể chế và giữa người dân, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tạo thuận cho đầu tư, thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế đối với hàng hóa môi trường, giải quyết các vấn đề thương mại và đầu tư “thế hệ mới”.

Các Bộ trưởng cũng nhất trí đẩy mạnh sự bổ trợ giữa APEC với các cơ chế liên kết kinh tế trong khu vực, thực hiện mục tiêu xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). 

Hội nghị cũng nhất trí tăng cường hợp tác về tăng trưởng bền vững gắn với công bằng, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chiến lược tăng trưởng được thông qua tại Yokohama, Nhật Bản năm 2010, hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao sự đóng góp của phụ nữ đối với phát triển kinh tế, bảo đảm y tế, an sinh xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển. Các Bộ trưởng thông qua Lộ trình an ninh lương thực APEC đến năm 2020.  

Hội nghị cũng nhất trí cho rằng APEC đóng vai trò động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế toàn cầu APEC cũng nhận thức được trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, APEC, trong đó có Indonesia, cần phải vượt qua những thách thức truyền thống và phi truyền thống, khu vực và toàn cầu, như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và an ninh năng lượng, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, các tệ nạn xã hội, trong đó nhất là tham nhũng ...  

Phát biểu tại các phiên họp, đoàn Việt Nam khẳng định APEC đã và sẽ tiếp tục là cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng không thể thiếu nhằm thúc đẩy xu hướng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực. Đoàn ta đã nêu một số đề xuất cụ thể, nổi bật là APEC cần đẩy mạnh cải cách, có lộ trình cụ thể để phối hợp và bổ trợ với các tầng nấc liên kết kinh tế khu vực, tăng cường sự gắn kết chiến lược giữa APEC với các khuôn khổ hợp tác toàn cầu.

Việt Nam cũng đề nghị APEC cần dành nhiều nguồn lực hơn cho các chương trình hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực, tăng cường kết nối khu vực, đặc biệt kết nối tiểu vùng. Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Bộ trưởng APEC về Phát triển nguồn nhân lực vào năm 2014 và tiếp tục đóng góp tích cực vào những nỗ lực chung của APEC trong lĩnh vực này. 

Tại phiên bế mạc vào chiều ngày 5/10, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 25 kèm 5 văn kiện về Tăng cường hợp tác giáo dục Tạo thuận lợi cho đi lại trong trường hợp khẩn cấp Thúc đẩy sử dụng bền vững năng lượng sạch, có thể tái tạo Tăng cường mạng lưới APEC về chống tham nhũng và bảo đảm minh bạch hóa Hệ thống y tế bền vững của châu Á - Thái Bình Dương.

Các kết quả và văn kiện của Hội nghị bộ trưởng sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo APEC thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 sẽ diễn ra ngay trong những ngày tới.  

Các bộ trưởng cảm ơn và đánh giá cao nước chủ nhà Indonesia đã chuẩn bị hết sức chu đáo và tổ chức thành công Hội nghị và hoan nghênh Trung Quốc chủ trì tổ chức Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 26 trong năm 2014 tại thủ đô Bắc Kinh.


TTXVN/Tin tức

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị APEC - 21 tại Indonesia

Ngày 6/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 21 (APEC 21) từ ngày 7-8/10/2013, theo lời mời của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN