Từ 6-8/10, Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 sẽ diễn ra tại đảo Bali, Indonesia. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của các nền kinh tế thành viên APEC. Nhận lời mời của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tham dự sự kiện này. Một người dân Bali, Indonesia chạy xe qua tấm banner lớn chào mừng Hội nghị thượng đỉnh APEC. Ảnh: AFP
|
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation, gọi tắt là APEC) được thành lập năm 1989, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Qua gần 25 năm, APEC hiện là cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại có quy mô lớn nhất tại khu vực, gồm 21 nền kinh tế, trong đó có 9 thành viên của nhóm G20, chiếm khoảng 59% dân số, 50% lãnh thổ, 54% GDP và 57% thương mại toàn cầu.
Các thành viên coi trọng hợp tác trong khuôn khổ Diễn đàn. Các nước lớn, thành viên G20 liên tục đăng cai hội nghị cấp cao APEC nhiều năm qua và các thành viên khác đề xuất đăng cai đến năm 2022. Tuy nhiên, trước những diễn biến nhanh chóng về tập hợp lực lượng và xu thế liên kết đa tầng nấc trong khu vực, APEC đang đứng trước nhiều thách thức. Theo đó, APEC đang tiếp tục cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp thực chất hơn.
Hội nghị cấp cao APEC 21 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh. Kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, Vòng đàm phán Đô-ha tiếp tục trì trệ, song các nước chủ chốt đang thúc đẩy để có thể đạt kết quả nhất định tại hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 (Bali, Indonesia, tháng 12/2013). Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục duy trì vai trò đầu tầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế.
Các cơ chế liên kết kinh tế hiện có ở khu vực như ASEAN, ASEAN với các đối tác, APEC được củng cố, đồng thời quá trình hình thành các tầng nấc liên kết kinh tế mới đang được đẩy nhanh, với nội hàm sâu rộng và mức cam kết cao, nổi bật là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hướng tới cơ bản hoàn tất tại Hội nghị cấp cao APEC năm nay, khởi động đàm phán các Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tư do (FTA) Đông Bắc Á...
Trong năm nay, APEC tập trung triển khai các thỏa thuận đạt được tại hội nghị cấp cao 2012, thúc đẩy một số lĩnh vực hợp tác nhằm tăng cường liên kết kinh tế và ứng phó với các thách thức trong quá trình phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời tiếp tục nỗ lực cải cách. Tuy nhiên, APEC đang đối mặt với nhiều thách thức trước những chuyển động sâu sắc tại khu vực. Theo đó, các thành viên ủng hộ 3 trọng tâm do nước chủ nhà Indonesia đề xuất, gồm: Thực hiện các Mục tiêu Bogor ; Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng và Tăng cường kết nối.
Hội nghị cấp cao APEC 21 (2013) với chủ đề “Châu Á – Thái Bình Dương tự cường: Động lực của tăng trưởng toàn cầu” sẽ tập trung trao đổi các nội dung: Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay và vai trò của APEC trong việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương; Tầm nhìn APEC về kết nối trong trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình; Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng: an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng.
Năm 2013 đánh dấu đúng 15 năm Việt Nam tham gia APEC. Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công hội nghị cấp cao APEC 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 18 tại Hà Nội tháng 11/2006 và gần 100 Hội nghị APEC trong năm 2006, với nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam đã đề xuất và đăng cai tổ chức thành công hơn 70 sáng kiến và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp, chống chủ nghĩa khủng bố… Việt Nam cũng đã đảm nhận vị trí Phó chủ tịch Nhóm công tác y tế nhiệm kỳ 2009 - 2010 và hiện là đồng Chủ tịch Nhóm công tác APEC về ứng phó thiên tai.
Năm 2013, Việt Nam tiếp tục triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, vị thế quốc tế được nâng cao. Đặc biệt, Việt Nam đã nâng tầm quan hệ song phương với nhiều thành viên chủ chốt trong APEC, nổi bật là thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với chủ nhà Indonesia, Singapore, Thái Lan, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, xác lập quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Với việc lần đầu tiên tiến hành đồng thời sáu đàm phán FTA với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu trên thế giới, ta trở thành một trong những thành viên tích cực thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực.
Đoàn Lãnh đạo Cấp cao của Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao APEC 21 lần này nhằm tiếp tục triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; thể hiện chính sách coi trọng và phát huy vai trò tại các cơ chế hợp tác ở châu Á – Thái Bình Dương; tranh thủ hợp tác APEC nhằm thiết thực phục vụ tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm các lợi ích, quan tâm của Việt Nam về liên kết và kết nối kinh tế, quản lý nguồn nước, hợp tác về đại dương, an ninh lương thực và ứng phó với thiên tai... Các hoạt động của Lãnh đạo ta trong dịp tham dự Hội nghị cấp cao 21 cũng sẽ góp phần cụ thể hóa và triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa ta với Indonesia , tăng cường quan hệ song phương của ta với các thành viên chủ chốt trong APEC.
Đỗ Quyên