Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 9/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nguồn tin của SCMP cho biết Tổng thống Trump có thể thăm Trung Quốc trước khi tham dự hội nghị cấp cao APEC (dự kiến diễn ra từ ngày 30/10 đến 1/11), hoặc cũng có thể gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc bên lề sự kiện này.
Theo truyền thông Hàn Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham dự hội nghị tại thành phố Gyeongju, nhưng việc Tổng thống Trump có tham dự hay không vẫn chưa được xác nhận.
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên – được coi là bước tiến quan trọng hướng tới cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Trước đó, trong một cuộc điện đàm vào tháng trước, ông Tập đã mời ông Trump cùng phu nhân thăm Trung Quốc, và Tổng thống Mỹ cũng đã đáp lại lời mời này.
Sau cuộc gặp với người đồng cấp Vương Nghị, Ngoại trưởng Rubio cho biết rằng cả hai bên đều “có mong muốn mạnh mẽ” về một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Quan hệ Mỹ - Trung đã có nhiều biến động kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 2 và đe dọa áp thuế nặng tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ đó, hai bên đã có nhiều nỗ lực để có thể duy trì mối quan hệ, thống nhất về một thỏa thuận thương mại sơ bộ, trong đó Trung Quốc nới lỏng hạn chế xuất khẩu đất hiếm và Mỹ giảm rào cản thương mại công nghệ.
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp phá vỡ thế bế tắc trong căng thẳng thương mại gần đây.
Các nhà phân tích cho rằng một cuộc gặp tại Trung Quốc trước hội nghị hoặc tại Hàn Quốc bên lề hội nghị APEC 2025 là kịch bản khả thi nhất. Ngoài ra, nhiều người cũng dự đoán ông Trump có thể thăm Thượng Hải hoặc một địa điểm khác thay vì Bắc Kinh để tạo sự khác biệt so với chuyến thăm thủ đô Trung Quốc của ông vào năm 2017.
Ông Diao Daming, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho biết: “Trong điều kiện thuận lợi và bầu không khí phù hợp, bất kỳ hình thức trao đổi nào giữa hai nhà lãnh đạo đều sẽ góp phần ổn định và phát triển quan hệ Mỹ - Trung”.
Theo bà Bonnie Glaser, Giám đốc điều hành Quỹ Marshall của Đức tại Mỹ, một cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập sẽ có lợi cho phía Trung Quốc. “Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể tạo ra sự ổn định hơn cho quan hệ song phương. Đây cũng sẽ là cơ hội để ông Tập hối thúc ông Trump nới lỏng một số hạn chế công nghệ”, bà nói thêm.
Ông Sun Chenghao, nghiên cứu viên tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa, cho rằng một cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ có lợi trong việc phá vỡ bế tắc về các vấn đề như fentanyl và thuế quan.
“Nếu một số vấn đề có thể được làm rõ trực tiếp thông qua một hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, tôi tin rằng chúng ta có thể chứng kiến những đột phá tương đối nhanh chóng trong một số lĩnh vực cụ thể trong quan hệ Mỹ - Trung, nơi các nhà lãnh đạo có thể huy động hiệu quả các nỗ lực ở cấp làm việc”, ông nhận định.
Ông Chen Qi, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, cho biết: “Hai bên thực sự đang nỗ lực tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp. Dù có những biến động kể từ tháng 6, hai bên vẫn có những nỗ lực chung để tạo bầu không khí tích cực cho một cuộc gặp tiềm năng”.
Ông Chen nói thêm rằng, miễn là hai bên đạt được một mức độ hợp tác nhất định, đặc biệt về các vấn đề ông Trump quan tâm như thương mại và kiểm soát xuất khẩu, thì điều đó sẽ thúc đẩy các trao đổi mang tính tích cực.
Các nhà quan sát ngoại giao cho rằng ông Trump mong muốn cuộc gặp này hơn ông Tập, qua đó trao những lợi thế nhất định cho Bắc Kinh. “Quyết định nằm ở Trung Quốc. Ông Trump sẽ lên máy bay đến Bắc Kinh ngay ngày mai nếu có thể”, ông Jeremy Chan, nhà phân tích cấp cao tại Tập đoàn Eurasia, nhận định.
“Trung Quốc rất coi trọng vấn đề lễ nghi ngoại giao và muốn mọi thỏa thuận được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, trong khi ông Trump sẵn sàng giải quyết mọi việc ngay bên một chiếc hamburger Big Mac”, ông Chan nói thêm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng nhiều yếu tố có thể cản trở cuộc gặp. “Cuộc gặp thượng đỉnh sẽ được thông báo trước. Nhưng chỉ cần một sai lầm trên đường đi cũng có thể phá hỏng toàn bộ”, ông Chan nhận định.
Ông Diao lại cho rằng nếu Mỹ vẫn kiên quyết “kiềm chế” Trung Quốc, điều này sẽ tạo ra trở ngại cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Trong khi đó, ông Xin Qiang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết triển vọng cuộc gặp vẫn còn bất định.
Các nhà phân tích cho biết nếu hội nghị thượng đỉnh diễn ra đúng hướng, sẽ có những dấu hiệu tích cực rõ rệt trong quan hệ hai nước. Trước đó là một số tín hiệu khả quan đã xuất hiện khi ngoại trưởng hai nước có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên hay việc ông Trump quyết định cho phép Nvidia bán chip AI cho Trung Quốc.