Áp đặt thuế quan - 'lợi bất cập hại'

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde mới đây cho rằng việc áp thuế quan của các nước sẽ không giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại và sẽ gây ra những thiệt hại tiềm tàng.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại một sự kiện diễn ra tại trụ sở ở Washington (Mỹ), bà Lagarde nhấn mạnh trên thực tế không phải ai cũng được hưởng lợi từ thương mại toàn cầu; đồng thời cho rằng đang tồn tại những vấn đề không rõ ràng trong hệ thống thương mại nên hệ thống này cần được cải cách, song “các rào cản thương mại không phải là lời giải”.

Tác động của rào cản thương mại

Theo bà Lagarde, sau khi phân tích kinh nghiệm của 180 quốc gia trong 6 thập niên, IMF nhận thấy hội nhập thương mại “rõ ràng đã thúc đẩy đầu tư vào nhà máy, máy móc và nhiều lĩnh vực tạo ra việc làm có mức lương tốt khác. Tuy vậy, bà Lagarde cho rằng "các rào cản thương mại rõ ràng đã ảnh hưởng tiêu cực tới đầu tư và việc làm”.

Bên cạnh đó, người đứng đầu IMF cũng kêu gọi các chính phủ thành viên ngăn chặn các mối đe dọa ngày càng tăng thông qua việc hiện đại hóa hệ thống thuế, cắt giảm nợ công, giảm tình trạng mất cân bằng thu nhập.

Bà cũng nhắc lại cảnh báo về việc áp đặt các hàng rào thuế quan, cho rằng động thái này không giúp bên nào giành thắng lợi và ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, chính phủ các nước nói chung cần hợp tác giảm hàng rào thuế quan và hiện đại hóa hệ thống thương mại toàn cầu.

Báo cáo của IMF cũng nhấn mạnh bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt hoặc thặng dư thương mại giữa quốc gia này với quốc gia khác thông qua biện pháp thuế quan sẽ chỉ làm thay đổi cán cân thương mại của nước đó với những nước khác, chứ không ảnh hưởng đến cán cân thương mại tổng thể.

IMF lấy ví dụ sau khi áp thuế, hoạt động nhập khẩu hàng điện tử và máy móc từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ sẽ giảm từ mức tương đương 22,1% tổng kim ngạch nhập khẩu xuống còn khoảng 11,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập khẩu của Mỹ từ Canada, Đông Á và các quốc gia khác sẽ tăng lên.

IMF nhấn mạnh trong khi một số nước thứ ba có thể được hưởng lợi từ việc chuyển hướng các hoạt động thương mại, những tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ dẫn đến những bất ổn, ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư và thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu. Viễn cảnh này sẽ tác động tiêu cực đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Trong báo cáo công bố tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giảm từ 30 - 70% trong dài hạn, nếu hai nước tăng thuế thêm 25 điểm phần trăm đối với tất cả hàng hóa trao đổi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo IMF, việc áp đặt các mức thuế cao và trả đũa lẫn nhau cộng với nhu cầu từ thị trường quốc tế giảm mạnh sẽ dẫn đến khả năng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả hai nước sụt giảm, với GDP thực tế hàng năm tổn thất khoảng 0,3 - 0,6% đối với Mỹ và 0,5 - 1,5% đối với Trung Quốc.

IMF cho biết ảnh hưởng của việc áp thuế đối với Trung Quốc lớn hơn trên mọi mô hình giả định vì hoạt động xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế Trung Quốc so với chiều ngược lại.

Báo cáo của IMF nhận định sản xuất hàng điện tử cùng các ngành chế tạo khác của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi ngành nông nghiệp của Mỹ cũng sẽ suy giảm đáng kể nếu tranh chấp thương mại leo thang.

IMF cảnh báo tình trạng các doanh nghiệp chuyển hoạt động từ Trung Quốc và Mỹ sang Mexico, Canada và Đông Á sẽ xảy ra và những thay đổi như vậy sẽ dẫn tới số lượng việc làm đáng kể rời khỏi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

IMF dự báo sẽ có khoảng 1% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất thiết bị giao thông vận tải của Mỹ mất việc làm. Con số này là 5% đối với các ngành chế tạo ở Trung Quốc .

Theo một nghiên cứu mới công bố ngày 3/4 của IMF, hầu hết những thay đổi trong cán cân thương mại song phương trong hai thập niên qua có thể là do tác động kết hợp của các yếu tố kinh tế vĩ mô, trong khi những điều chỉnh về thuế quan có vai trò yếu hơn nhiều.

Nghiên cứu này được đưa vào trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới tháng 4/2019 của IMF, dựa trên nghiên cứu từ 63 quốc gia trong 20 năm (1995-2015) và trên 34 lĩnh vực.

Theo nghiên cứu trên, những thay đổi trong cán cân thương mại song phương trong hai thập niên qua là đáng kể, chủ yếu do các yếu tố kinh tế vĩ mô như chính sách tài khóa, nhân khẩu học, nhu cầu nội địa. Trong lúc các chính sách về tỷ giá và trợ giá cho các lĩnh vực thương mại cũng là những yếu tố cần phải kể đến.

Khi việc tăng thuế được nhắm đến các đối tác cụ thể, một số nước có thể được hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại, do nhu cầu từ nước áp thuế được chuyển sang những nước không thực hiện biện pháp như vậy.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của IMF cho rằng việc tăng thuế mạnh sẽ tạo "hiệu ứng dây chuyền" trong hệ thống thương mại thời hội nhập và tác động đến nền kinh tế thế giới khi làm giảm sản lượng, việc làm, năng suất, không chỉ với những nền kinh tế áp thuế và chịu thuế mà còn với cả các nền kinh tế khác trong chuỗi giá trị.

Vì thương mại tự do công bằng

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách tránh các chính sách vĩ mô méo mó như trợ giá mạnh cho xuất khẩu, gây ra tình trạng mất cân đối không bền vững. Nhóm này cũng cho rằng cần giảm thuế và các rào cản phi thuế quan khác trong dài hạn để thúc đẩy thương mại, cải thiện kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách được cho là cần tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do và công bằng thông qua việc rút lại các quy định về thuế ban hành gần đây và tăng cường các nỗ lực nhằm giảm bớt các rào cản thương mại.

Do đó, IMF khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách tránh áp dụng các chính sách kinh tế vĩ mô tiêu cực, trong đó có chính sách tài khóa thuận chu kỳ hoặc các lĩnh vực xuất khẩu được trợ cấp nhiều vốn, gây ra tình trạng mất cân bằng lớn và không bền vững.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy thương mại công bằng và tự do thông qua việc tháo gỡ các biện pháp thuế quan gần đây cũng như tăng cường các nỗ lực nhằm giảm thiểu các hàng rào đối với thương mại.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde trước đó nhận định kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn so với dự báo trước đó. Trong bài phát biểu trước thềm cuộc họp mùa Xuân với Ngân hàng Thế giới (WB), diễn ra trong các ngày 1 2- 14/4, bà Lagarde cho rằng kinh tế toàn cầu đã mất lực đẩy do bị tác động bởi việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, căng thẳng thương mại gia tăng, các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn. Hồi tháng 1 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 và 2020 xuống còn khoảng 3,5%.

Tuy nhiên, IMF cho rằng sẽ không có suy thoái trong tương lai gần. Một số yếu tố lạc quan đối với kinh tế thế giới bao gồm một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ngừng tăng lãi suất, trong lúc Trung Quốc hướng tới áp dụng các kích thích nền kinh tế. Theo bà Lagarde, các chính sách và động thái đó phần nào giúp nới lỏng các điều kiện tài chính, tăng dòng vốn vào các thị trường đang nổi.

Ngọc Tiến/TTXVN (tổng hợp)
Giới chức Hàn Quốc đề cập khả năng Triều Tiên gia nhập IMF
Giới chức Hàn Quốc đề cập khả năng Triều Tiên gia nhập IMF

Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Hàn Quốc, ông Kim Hoe-jeong cho biết Triều Tiên có thể gia nhập Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nếu Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân và tạo các điều kiện mở cửa kinh tế ở nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN