Sau khi Anh rời khỏi EU vào tháng 1/2020, EU thiết lập một phái đoàn ngoại giao của khối tại London. Tuy nhiên, tranh cãi đã nổ ra liên quan đến các đặc quyền ngoại giao của Đại sứ EU tại Anh Joao Vale de Almeida vào đúng ngày Anh bổ nhiệm đại diện ngoại giao mới tại EU. Phía EU khẳng định đại diện của EU cần được hưởng quy chế ngoại giao đầy đủ của một quốc gia có chủ quyền, giống như các đại sứ của khối này tại 143 quốc gia khác. Trong khi đó, phía Anh lập luận rằng phái đoàn ngoại giao của EU chỉ nên được hưởng các ưu đãi ngoại giao ở mức thấp hơn, vốn được trao cho các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Peter Stano, người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell, cho rằng là một bên ký kết Hiệp ước Lisbon, Anh nắm rõ quy chế của EU về các mối quan hệ với bên ngoài. Theo ông, sau khi Anh rút khỏi EU, không có gì thay đổi để Anh có thể biện minh cho hành động này.
Trong khi đó, phát biểu tại sự kiện trực tuyến tại Ireland, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cảnh báo London cần "hết sức thận trọng" khi đề cập vấn đề này. Ông khẳng định EU là một liên minh, đồng thời bác bỏ việc Anh coi EU là một tổ chức quốc tế. Ông hy vọng các bên sẽ cùng tìm ra giải pháp sáng suốt và khách quan cho vấn đề này.
Trước đó, vào ngày 21/1, hãng tin BBC đưa tin Bộ Ngoại giao Anh đã từ chối cấp quy chế ngoại giao đầy đủ và đặc quyền ngoại giao cho Đại sứ EU tại London, Joao Vale de Almeida cùng đội ngũ của ông, như dành cho phái bộ ngoại giao của các nước, với lý do EU không phải là một quốc gia. Người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh EU là một tập thể các quốc gia, chứ không phải là một nước theo đúng nghĩa. Do đó, phái đoàn của EU đến Anh sẽ nhận được các đặc quyền và miễn trừ cần thiết để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình.