Vượt qua hai ứng viên còn lại là Bộ trưởng Tài chính Kate Forbes và Bộ trưởng An toàn Cộng đồng Ash Regan, ông Yousaf, 37 tuổi, đã nhận được 52% số phiếu ủng hộ từ các thành viên của SNP. Trong bài phát biểu tại Edinburgh sau khi kết quả được công bố, ông Yousaf khẳng định sẽ tập trung vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tiếp tục thúc đẩy tiến trình tách Scotland khỏi Vương quốc Anh.
Theo kế hoạch, nghị viện Scotland sẽ tiến hành bỏ phiếu để xác nhận việc ông Yousaf trở thành Thủ hiến tiếp theo của vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh này. Dự kiến ông sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 29/3 tới, trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất, đầu tiên thuộc sắc tộc thiểu số ở Scotland và là người Hồi giáo đầu tiên đứng đầu một đảng lớn ở Vương quốc Anh.
Trước đó, bà Sturgeon đã từ chức sau khi chịu nhiều sức ép do không thúc đẩy được các nỗ lực tách Scotland khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, cũng như không thúc đẩy được quyền của người chuyển giới.
Scotland là vùng lãnh thổ thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (gồm England, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland). Các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc Scotland, đơn cử là đảng SNP, đã bày tỏ mong muốn tuyên bố tách khỏi Vương quốc Anh. Năm 2014, Scotland đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này. Khi đó, Scotland đã ở lại Vương quốc Anh do kết quả bỏ phiếu cho thấy 55% người dân ủng hộ điều này và chỉ 45% muốn tách ra độc lập. Bà Sturgeon đã nỗ lực thúc đẩy tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai nhưng không thành.
Tháng 11/2022, Tòa án Tối cao Anh đã ra phán quyết bác bỏ yêu cầu của Scotland tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân nữa về việc tách khỏi Vương quốc Anh. Tòa cho rằng Nghị viện Scotland không có thẩm quyền tổ chức cuộc trưng cầu đòi độc lập mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội Anh.