Sky News trích dẫn một thư điện tử cho biết các Nghị sĩ và nhân viên trong Quốc hội Scotland đã được khuyến cáo “mạnh mẽ” về việc xóa TikTok, kể cả trong các thiết bị cá nhân được sử dụng để truy cập các hệ thống công nghệ thông tin của Quốc hội Scotland.
Trước đó cùng ngày, New Zealand tuyên bố sẽ cấm cài TikTok trên các thiết bị có quyền truy cập vào mạng của Quốc hội nước này từ ngày 31/3 tới do những lo ngại về an ninh mạng. Giám đốc điều hành các dịch vụ của Quốc hội New Zealand, ông Rafael Gonzalez-Montero, cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi tham vấn các chuyên gia an ninh mạng cũng như sau các cuộc thảo luận trong nội bộ Chính phủ và với các quốc gia khác.
Những quyết định đối với TikTok của Scotland và New Zealand được đưa ra sau khi Anh ngày 16/3 thông báo cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu cơ quan nhà nước và Chính phủ. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Phản ứng trước động thái của Anh, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh ra tuyên bố phê phán quyết định của London là “can thiệp vào hoạt động bình thường của các công ty có liên quan ở Anh và cuối cùng sẽ chỉ làm tổn hại đến lợi ích của chính Vương quốc Anh”.
Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) - chủ sở hữu TikTok - cho rằng các lệnh cấm gần đây là dựa trên "những quan niệm sai lầm cơ bản”, đồng thời khẳng định nền tảng này đã chi hơn 1,5 tỷ USD để tăng cường bảo mật dữ liệu và bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.
TikTok hiện thu hút hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 150 triệu người dùng trên khắp châu Âu và khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ. Tuy nhiên, giới chức nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ rò rỉ dữ liệu khi sử dụng ứng dụng này.