Thị thực đầu tư hạng một, dành cho những người không phải công dân Liên minh châu Âu (EU), cho phép nhập cảnh 3 năm, đổi lại 2 triệu bảng Anh đầu tư vào trái phiếu Anh, vốn cổ phiếu hoặc vốn vay tại các công ty của Anh.
Theo quy định mới, chính quyền Anh sẽ hoãn cấp loại thị thực này từ nửa đêm 7/12.
Bộ Nội vụ Anh cho biết sau thay đổi trên, nhưng người xin thị thực muốn đầu tư vào Vương quốc Anh sẽ phải cung cấp sổ sách kế toán đầy đủ của tất cả các lợi ích tài chính và kinh doanh của họ. Các sổ sách này sẽ phải do một công ty kiểm toán đăng ký tại Anh thực hiện.
Trong hai thập kỷ qua, từ những nhà tài phiệt người Nga, các ông vua dầu mỏ ở Trung Đông, đến các chủ doanh nghiệp mới nổi người Trung Quốc và giới giàu có đã lũ lượt kéo đến London, thâu tóm mọi thứ từ những ngôi nhà sang trọng đến các câu lạc bộ bóng đá. Trong năm 2017, có khoảng 1.000 người xin "thị thực vàng" vào Anh.
Dòng người siêu giàu đổ về London đem theo hàng chục tỷ bảng Anh đầu tư và giúp thành phố này giữ được vị thế là một trong hai trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, dù Chính phủ Anh đã bày tỏ lo ngại về nguồn gốc của một số tài sản này.
Bộ trưởng Nhập cư Caroline Nokes cho biết: "Các biện pháp trên để đảm bảo rằng chỉ những nhà đầu tư thực sự, có ý định ủng hộ các công ty của Anh, mới có thể được hưởng lợi từ hệ thống nhập cư".
Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh, chuyên giải quyết các tội phạm có tổ chức và trọng tội, hồi tháng 9 cho biết đã tăng cường các nỗ lực để giải quyết tình trạng tiền "bẩn" mà "giới thượng lưu tham nhũng" tuồn vào hoặc đưa qua Vương quốc Anh.
Cơ quan này có kế hoạch mở rộng phạm vi áp dụng Lệnh điều tra tài sản bất minh (UWO), tức là các tài sản tham nhũng mà những "người liên quan đến chính trị" hoặc có liên hệ với tội phạm nghiêm trọng sở hữu.
Tháng 10 vừa qua, cơ quan trên đã công bố mục tiêu đầu tiên của UWO là vợ của chủ ngân hàng Azeri đang bị giam giữ, chính quyền đã thu giữ tài sản trị giá 22 triệu bảng Anh của họ.