Anh có thể nhượng bộ EU về tự do đi lại để bảo vệ ngành tài chính

Báo chí Anh dẫn nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể yêu cầu Anh nhượng bộ trong vấn đề tự do đi lại của người lao động EU tới Anh để đổi lấy việc các công ty cung cấp dịch vụ tài chính của Anh sẽ được tạo điều kiện tiếp cận thị trường chung châu Âu sau Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Telegraph dẫn lời của các quan chức EU cho hay nhiều nước thành viên EU, đặc biệt là những quốc gia Đông Âu đã bày tỏ mong muốn duy trì sự đi lại tự do giữa Anh và EU. Đây là vấn đề khá nhạy cảm và lĩnh vực tài chính vốn sinh lợi lớn của Anh có khả năng trở thành “con tin” trong các cuộc đàm phán Brexit sắp tới. Điều này có thể trở thành tiền lệ để EU, nhất là với những nước như Ireland và Đan Mạch, gây sức ép đòi Anh phải tiếp tục nhượng bộ trong các thỏa thuận tiếp cận thị trường cho những sản phẩm nông nghiệp của họ.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, bất kỳ thỏa thuận quan trọng nào liên quan đến ngành tài chính cũng có thể trở thành điều kiện đi kèm với những nhượng bộ về tự do đi lại giữa hai bên. Thỏa thuận sẽ không chỉ áp dụng đối với các công việc quản lý ngân hàng hay những vị trí có tay nghề cao, mà còn đối với cả các việc làm có mức lương thấp của ngành ngân hàng.

Nếu giành được sự hưởng ứng nhiều hơn nữa từ các nước EU, kế hoạch ‘đánh đổi’ này có khả năng dẫn đến sự khác biệt về quan điểm giữa lãnh đạo 27 nước thành viên EU với lập trường của Ủy ban châu Âu (EC). Do vào giai đoạn đàm phán hiện tại, EC vẫn duy trì lập trường khá cứng rắn trong việc ngành tài chính Anh sẽ mất "thị thực hoạt động" tại Khu vực thị trường chung châu Âu sau khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào năm 2021. Theo các đề xuất ban đầu hiện nay, trong giai đoạn chuyển tiếp Anh sẽ không có quyền tham gia bỏ phiếu đối với các vấn đề của EU trong khoảng hai năm sau khi Brexit chính thức có hiệu lực vào ngày 29/3/2019, song vẫn duy trì vị trí là thành viên Khu vực thị trường chung châu Âu và Liên minh hải quan.

Ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, vẫn giữ quan điểm không đưa lĩnh vực tài chính vào thỏa thuận thương mại giữa hai bên trong tương lai, mặc dù trước đó ông là người ủng hộ việc đưa lĩnh vực này vào thỏa thuận thương mại EU-Mỹ. Brussels lâu nay khẳng định rằng sự di chuyển tự do giữa EU và Anh sẽ được duy trì tới cuối năm 2020, song phía Anh vẫn không ủng hộ việc cho phép công dân EU tới Anh trong giai đoạn chuyển tiếp được quyền ở lại Anh vô thời hạn.

Trong trường hợp Thủ tướng Anh Theresa May nhượng bộ EU, bà có thể sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích về việc bà hy sinh quyền kiểm soát biên giới của Anh để làm hài lòng giới chủ ngân hàng và Trung tâm tài chính London, vốn muốn duy trì hiện trạng càng lâu càng tốt.

Hiệp hội ngân hàng và tài chính Anh (UK Finance) cho hay lĩnh vực dịch vụ hiện chi phối 1/3 thương mại Anh-EU. Hồi tuần trước, báo chí Anh đưa tin EU đang tìm cách thắt chặt việc kiểm soát các công ty tài chính London hậu Brexit nhằm đảm bảo Trung tâm tài chính London sẽ phải tuân thủ các quy định của Brussels sau khi Brexit diễn ra.

TTXVN/Báo Tin tức
Liệu có đảo ngược được tiến trình Brexit của nước Anh?
Liệu có đảo ngược được tiến trình Brexit của nước Anh?

Ngày 19/12, một chính đảng mới mang tên Đổi mới (Renew), với chủ trương phản đối việc Anh rời Liên minh chuâu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã được chính thức thành lập tại thủ đô London của Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN