Hình minh họa. Ảnh: aljazeera.com
Theo tờ Politico ngày 28/4, một quan chức Anh cho biết các quy định mới dự kiến sẽ tạo ra khoảng 100 thị thực mỗi năm cho lao động Ấn Độ. Các điều khoản này sẽ do Bộ Nội vụ Anh thực thi, cơ quan vốn thận trọng trong việc chấp nhận các ngoại lệ lớn về thị thực do lo ngại ảnh hưởng đến tổng số liệu nhập cư.
Việc đạt được thỏa thuận thương mại với Ấn Độ được coi là ưu tiên kinh tế đối với chính phủ Anh, trong bối cảnh đảng Reform của ông Nigel Farage đang thu hút sự ủng hộ từ các khu vực truyền thống của Công đảng. Tuy nhiên, vấn đề thị thực cho lao động nước ngoài vẫn là chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị.
Quan chức Anh cho biết, nhượng bộ hiện tại của London cách khá xa so với đề xuất ban đầu của New Delhi, khi Ấn Độ từng đề nghị các hạn ngạch lớn hơn cho các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và y tế. Nội dung về "di chuyển lao động" trong thỏa thuận đã được hoàn thiện gần đây nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động chuyển giao nhân sự nội bộ giữa các công ty.
Một nguồn tin cho biết hiện chưa thể ước lượng số lượng lao động Ấn Độ sẽ được tiếp nhận theo nội dung di chuyển lao động và việc đưa ra con số cụ thể có thể mang tính chất chính trị. Tuy nhiên, nội dung này được cho là sẽ mang lại sự ổn định cho các doanh nghiệp về chính sách thị thực của Anh, trong bối cảnh các quy định liên quan liên tục thay đổi trong những năm gần đây.
Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Ấn Độ, ông Piyush Goyal, dự kiến sẽ thúc ép chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer nhượng bộ thêm khi tới London trong tuần này, bao gồm yêu cầu miễn trừ khỏi thuế carbon đối với hàng hóa phát thải cao và quyền hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội cho các công ty tuyển dụng lao động Ấn Độ theo diện thị thực ngắn hạn.
Một nguồn tin khác cho biết, hiện Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh tỏ ra lạc quan hơn về khả năng hoàn tất thỏa thuận, trong khi trước đó, phía Ấn Độ từng thể hiện kỳ vọng quá mức.
Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh tuyên bố rằng chính phủ cam kết đạt được một thỏa thuận đúng đắn với Ấn Độ, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp Anh, cắt giảm thuế quan và thúc đẩy thương mại rẻ hơn, dễ dàng hơn. Bộ này nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán sẽ chỉ đi đến ký kết nếu thỏa thuận phục vụ lợi ích của người dân Anh và thúc đẩy tăng trưởng toàn quốc.
Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds tới Delhi để tái khởi động đàm phán hồi đầu năm nay, các quan chức Anh cho biết đã nhận thấy sự "thay đổi rõ rệt" trong thái độ của phía Ấn Độ. Một đại diện doanh nghiệp cấp cao nhận định rằng chính phủ Ấn Độ đang mong muốn hoàn tất thỏa thuận càng sớm càng tốt trong bối cảnh thương chiến toàn cầu do Tổng thống Donald Trump phát động gây ra nhiều bất ổn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman khẳng định tại London đầu tháng này rằng Ấn Độ không vội vàng ký kết thỏa thuận chỉ vì những động thái từ Mỹ.
Ngoài vấn đề thị thực, Ấn Độ cũng thúc đẩy yêu cầu Anh cho phép áp dụng "Hiệp định đóng góp kép", cho phép lao động Ấn Độ theo diện thị thực ngắn hạn được miễn đóng góp vào quỹ hưu trí quốc gia của Anh trong thời gian lưu trú, nếu họ đã đóng góp vào hệ thống hưu trí ở Ấn Độ.
Về thuế carbon, Ấn Độ bày tỏ lo ngại đối với các kế hoạch điều chỉnh thuế biên giới carbon của Anh, dự kiến triển khai vào năm 2027, có thể ảnh hưởng nặng nề tới hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ như thép, nhôm và xi măng. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ấn Độ, ông Shashi Tharoor, nhấn mạnh rằng các biện pháp thuế quan mới cần đảm bảo sân chơi công bằng sau khi đạt được thỏa thuận thương mại.
Cao ủy Ấn Độ tại London, ông Vikram Doraiswami, cho rằng nếu hai bên đạt được thỏa thuận, cần có sự đối xử công bằng trong thương mại, không thể áp dụng các biện pháp làm bất lợi cho phía Ấn Độ.
Theo các nguồn tin, các cuộc đàm phán đã đạt được tiến triển lớn nhưng việc hoàn tất thỏa thuận đòi hỏi sự linh hoạt hơn nữa từ cả hai phía.