Tối 4/8 (giờ địa phương), tại Đảo Hữu nghị ở thành phố Potsdam, Đức đã diễn ra Lễ hội văn hóa châu Á với chủ đề "Lửa và nước". Năm nay, Việt Nam được đăng cai tổ chức nên lễ hội hoàn toàn mang màu sắc của một lễ hội văn hóa Việt Nam với chủ đề "Việt Nam - Đất nước của những con rồng". Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh và đại diện bang Brandenburg, thành phố Potsdam trồng cây Mộc lan lưu niệm. |
Lễ hội văn hóa năm nay được giao cho Hội doanh nghiệp Thăng Long tại Potsdam, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức phối hợp với Hội Những người bạn của Đảo Hữu nghị tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ nước ta tại Đức Nguyễn Thị Hoàng Anh.
Lễ hội đã được tổ chức thành công với sự ủng hộ và giúp đỡ của chính quyền bang Brandenburg, thành phố Potsdam và sự tham gia nhiệt tình của nhiều hội đoàn người Việt tại Đức cũng như sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp người Việt và Đức.
Trước khi chính thức khai mạc lễ hội, Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh đã cùng đại diện chính quyền bang Brandenburg và thành phố Potsdam trồng một cây Mộc lan làm lưu niệm. Đảo Hữu nghị vốn có nhiều loài cây được đưa đến từ nhiều vùng miền trên trái đất, giờ đây được bổ sung thêm một cây Mộc lan đến từ châu Á.
Sau màn múa rồng dạo đầu và điệu múa "Việt Nam - Quê hương tôi", Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh đã phát biểu khai mạc, giới thiệu sơ lược về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu tại Lễ hội, cảm ơn chính quyền bang Brandenburg và thành phố Potsdam đã tạo điều kiện cho Việt Nam được giới thiệu văn hóa của mình với bạn bè Đức và quốc tế.
Đại sứ Hoàng Anh và ông Xuân Quân tặng tranh thêu hoa sen cho đại diện chính quyền bang Brandenburg. |
Đại diện chính quyền bang Brandenburg và thành phố Potsdam phát biểu, đánh giá cao sự hội nhập và đóng góp của cộng đồng người Việt vào sự phát triển kinh tế và làm phong phú thêm đời sống văn hóa của địa phương.
Tiếp theo đó là một đám rước linh đình do 100 người mặc lễ phục dân tộc, rước đỉnh đồng, nước và lửa về đền thờ Quốc tổ, mô phỏng truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tại đây, nghệ nhân Xuân Quân đã đọc văn tế, kính báo với Quốc tổ và Tiên mẫu về lễ hội.
Ông Xuân Quân đọc văn tế. |
Bên cạnh phần "lễ" là phần "hội" với rất nhiều tiết mục ca, múa nhạc phong phú, từ hát Quan họ, hát chèo, biểu diễn nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn thập lục, sáo trúc cho tới các điệu múa dân tộc, biểu diễn võ thuật... do các nghệ sĩ, võ sĩ trong cộng đồng trình diễn. Nhiều nghệ sĩ không chuyên trong cộng đồng cũng đã vượt qua chặng đường dài hàng 5-7 trăm km về Potsdam tham gia biểu diễn. Nhiều người ở cách xa vài trăm km cũng về tham dự lễ hội.
Tin, ảnh: Văn Long(P/v TTXVN tại Berlin)