Theo báo USA Today, nam sinh viên này đã ăn cơm, gà và mì xào thừa của một nhà hàng. Chỉ vài giờ sau, cậu cảm thấy đau bụng và da bắt đầu chuyển sang tím tái.
Nam sinh viên nhập viện với tình trạng "sốc, suy đa tạng và phát ban". Sức khỏe của cậu nhanh chóng suy giảm. Bệnh nhân thở bất thường, huyết áp cao và nôn mửa. Trước đó, bệnh nhân vẫn rất khỏe mạnh song có thói quen uống rượu, hút thuốc.
Sau khi được xét nghiệm chuyên sâu, nam sinh viên được chẩn đoán mắc bệnh xuất huyết ban do virus não mô cầu, khiến bệnh nhân cứng cổ, buồn nôn, suy hô hấp, sốc và suy tạng. Ban xuất huyết tối cấp là một biến chứng hiếm gặp xuất hiện khi bị sốc nhiễm trùng. Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo biến chứng này có thể “dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ”.
Tại bệnh viện, tình trạng sức khỏe của nam sinh viên ngày một xấu đi với nhiều chỗ bị hoại tử. Các bác sĩ đã phải cắt cụt chân và ngón tay của bệnh nhân. Cậu cũng cần đặt máy tạo nhịp tim trong 13 ngày để điều trị chứng rối loạn chức năng tim.
Các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ của việc bảo quản cơm hay mì thừa không đúng cách vì các món như gạo và mì ống có chứa một loại vi khuẩn có tên là Bacillus cereus. Theo CDC, vi khuẩn tạo ra độc tố khi đun nóng và để lâu. Theo bài viết trên Tạp chí Vi sinh vật học lâm sàng, năm 2008, một thiếu niên đã tử vong trong khi ngủ sau khi ăn mì ống thừa không để trong tủ lạnh qua đêm.
Các bác sĩ lưu ý mặc dù nam sinh viên đã được tiêm liều vaccine viêm màng não mô cầu đầu tiên, nhưng cậu ta không tiêm nhắc lại. Bạn cùng phòng của cậu cũng ăn thức ăn thừa và nôn mửa nhưng không gặp phản ứng nguy hiểm đến tính mạng.