Theo phóng viên TTXVN tại thủ đô New Delhi, các bang bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất là Maharashtra với 90.787 ca, Tamil Nadu 34.914 ca và New Delhi 31.309 ca. Chính quyền thành phố New Delhi thậm chí dự báo số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại thủ đô có thể tăng lên mức 550.000 ca vào cuối tháng 7 tới.
Bộ trên cho hay chính phủ đã cử các đội y tế trung ương đến 15 bang và vùng lãnh thổ liên bang để hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh và xử lý các ổ dịch.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định nước này đang ở vào trạng thái tốt hơn so với nhiều quốc gia khác trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng ông cảnh báo không được phép lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch.
Ngày 9/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá đại dịch COVID-19 đang trở nên tồi tệ trên toàn cầu và hiện không phải là thời điểm thích hợp để các nước chủ quan. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu tổng hợp Nomura cho rằng Ấn Độ nằm trong nhóm 15 quốc gia có nguy cơ cao, nơi việc nới lỏng các lệnh phong tỏa có thể làm gia tăng đột biến các ca bệnh mới, buộc giới chức phải tái áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.
WHO cũng đã khuyến cáo Pakistan - quốc gia láng giềng của Ấn Độ, cần áp dụng lệnh phong tỏa liên tục để ngăn chặn dịch bệnh lây lan mạnh hiện nay sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế. Theo tổ chức này, Pakistan hiện chưa đáp ứng các điều kiện cần thiết để nới lỏng lệnh phong tỏa. Nhiều người dân không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, giữ gìn vệ sinh... Có khoảng 25% số người được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, cho thấy tỷ lệ lây nhiễm cao trong dân chúng.
Cùng ngày 10/6, Bộ Y tế Pakistan thông báo nước này ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong 24 giờ qua tăng lên mức cao chưa từng có. Pakistan hiện xác nhận có trên 113.000 ca nhiễm bệnh và 2.200 ca tử vong do COVID-19. Do số lượng các xét nghiệm còn hạn chế, con số thực tế về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này có thể còn cao hơn. Nhiều bệnh viện tại Pakistan đang dần rơi vào tình trạng quá tải và thậm chí từ chối tiếp nhận bệnh nhân.