Giới chức Ấn Độ cho biết mới đây, bang Kerala đã ghi nhận số ca mắc mới gia tăng trở lại sau khi diễn ra lễ hội Onam vào cuối tháng 8 và đây được xem là hồi chuông cảnh báo. Chính quyền bang Maharashtra sẽ hạn chế chiều cao tượng thần Ganesha nhằm giảm số người tham gia rước tượng trong dịp lễ hội Ganesh Chaturthi. Lễ rước tượng trong ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của lễ hội cũng bị cấm. Trong khi đó, chính quyền thành phố Nagpur, bang Maharashtra cũng sẽ siết chặt hoạt động đi lại trong tuần này.
Thị trưởng Mumbai, Kishori Pednekar khẳng định làn sóng dịch thứ 3 "đã hiện hữu". Trong khi đó, Thủ hiến bang Maharashtra, Uddhav Thackeray, cho rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo vệ sức khỏe và an toàn của người dân. Tuyên bố của ông Thackeray được đưa ra trước thềm lễ hội Hindu Ganesh Chaturthi kéo dài 11 ngày, bắt đầu từ ngày 10/9.
Tại bang miền Nam Tamil Nadu, các nhà chức trách đã cấm việc tổ chức các lễ hội tại nơi công cộng, trong khi đó bang Tây Bengal sẽ siết chặt biện pháp chống dịch trong thời gian diễn ra lễ hội Durga Puja kéo dài 9 ngày, dự kiến vào tháng 10. Tại bang Karnataka, giới chức trách cũng sẽ duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm và đồng thời cấm tổ chức lễ hội Ganesh tại những khu vực có tỷ lệ dương tính cao.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã chứng kiến làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay khi có tới 200.000 người tử vong và toàn hệ thống y tế “kiệt quệ”. Làn sóng dịch COVID-19 này bùng phát sau khi Ấn Độ tổ chức cuộc hành hương Kumbh Mela - một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất thế giới - với khoảng 25 triệu tín đồ Hindu tham gia.
Hiện Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, về số ca mắc COVID-19 với trên 33 triệu ca và đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong với 441.000 ca.
* Ngày 8/9, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 đối với 19 tỉnh đến ngày 30/9. Lệnh này vốn đang được áp đặt tại 21/47 tỉnh tới ngày 12/9. Trong khi đó, các tỉnh Miyagi và Okayama sẽ được chuyển từ tình trạng khẩn cấp sang trạng thái gần như khẩn cấp.
Trong khi đó, các nguồn thạo tin cho hay chính quyền Nhật Bản có kế hoạch nới lỏng một số hạn chế đối với hoạt động đi lại, các sự kiện quy mô lớn và việc bán đồ uống có cồn trong trường hợp đa số người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19. Kế hoạch nới lỏng trên có thể được triển khai từ tháng 11 tới. Thậm chí, các khu vực đang trong tình trạng khẩn cấp cũng có thể áp dụng việc nới lỏng này nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định, trong đó có việc tiêm chủng.
* Cùng ngày, Phó Thống đốc Jakarta, Ahmad Riza Patria cho biết hiện thành phố thủ đô của Indonesia không còn khu vực nào nằm trong “vùng đỏ” COVID-19, tức vùng có nguy cơ lây lan dịch cao.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu với báo giới, ông Riza cho hay tất cả các đơn vị dân cư tại Jakarta đều nằm trong vùng cam, vàng hoặc xanh lá cây. Tuy nhiên, ông Riza bày tỏ hy vọng rằng người dân sẽ tiếp tục duy trì kỷ luật và tuân thủ các quy định y tế nhằm duy trì xu hướng tích cực này.
Theo trang web chuyên về COVID-19 của thành phố Jakarta, tính đến ngày 7/9, thủ đô của Indonesia không còn vùng màu đỏ, trong khi hàng trăm đơn vị dân cư vẫn nằm trong vùng cam và vàng, tức có nguy cơ lây lan dịch ở mức trung bình đến thấp.
Cụ thể, tất cả 132 đơn vị dân cư tại Trung Jakarta đều nằm trong vùng vàng. Tại Đông Jakarta, có 5 đơn vị dân cư nằm trong vùng cam và 387 đơn vị dân cư còn lại nằm trong vùng vàng. Tây Jakarta có một vùng cam và 328 vùng vàng. Nam Jakarta ghi nhận 3 đơn vị dân cư nằm trong vùng cam và 354 đơn vị dân cư nằm trong vùng vàng. Bắc Jakarta có một đơn vị dân cư nằm trong vùng cam và 255 đơn vị dân cư nằm trong vùng vàng. Trong khi đó, huyện đảo Seribu chỉ có một khu vực nằm trong vùng vàng.