Ấn Độ mong hưởng lợi từ sắc lệnh mới về dược phẩm của Tổng thống Trump

Giới chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh yêu cầu chính phủ tăng cường mua thuốc của các công ty trong nước là một đòn giáng thẳng vào Trung Quốc, đồng thời điều này có thể mang đến lợi ích chiến lược cho Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Thuốc hydroxychloroquine dùng để trị sốt rét do Ấn Độ sản xuất. Ảnh: AP 

Theo đài Sputnik, ngày 6/8, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh nhằm đảm bảo dược phẩm, thiết bị và vật tư y tế thiết yếu phải được sản xuất tại Mỹ.

Phát biểu tại một cơ sở chế tạo của tập đoàn Whirlpool ở phía Tây Bắc bang Ohio, Tổng thống Trump nêu rõ trong 4 năm tới, ông sẽ đưa các chuỗi cung ứng y tế và dược phẩm về Mỹ cũng như nước này sẽ chấm dứt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Sắc lệnh mới của Tổng thống Trump cũng nhằm ngăn chặn tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng y tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra cũng như ngăn chặn nguy cơ này tái diễn trong tương lai.

Trong một bài phát biểu họp báo hồi tháng 4, ông Peter Navarro - Cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump - từng đề cập đến sự phụ thuộc của Mỹ vào các nước khác liên quan đến lĩnh vực dược phẩm. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ, tính đến tháng 8/2019, chỉ 28% cơ sở sản xuất  hóa chất dược cho thị trường Mỹ có trụ sở tại Mỹ. Phần còn lại là ở Liên minh châu Âu (26%), Ấn Độ (18%), Trung Quốc (13%) và các nơi khác (15%).

Theo Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, quyết định trên sẽ mang đến lợi ích về mặt chiến lược cho Ấn Độ.

Trả lời đài Sputnik, ông Ashok Madan – Giám đốc Điều hành Hiệp hội Nhà sản xuất Dược phẩm tại Ấn Độ (IDMA) - cho rằng sắc lệnh của nhà lãnh đạo Mỹ chỉ nhắm tới Trung Quốc chứ không phải toàn thế giới. 

“Ngày nay, mọi quốc gia đều muốn tự chủ. Mỹ không có vấn đề gì với Ấn Độ, nhưng có vấn đề với Trung Quốc. Ấn Độ đã và đang đáp ứng kỳ vọng toàn cầu trong cung cấp các loại thuốc thiết yếu vào thời điểm khủng hoảng”, ông Ashok nhấn mạnh.

Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ cũng công nhận quyết định của Mỹ sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho nước này. Chính phủ cam kết vẫn duy trì sản xuất các thành phần dược phẩm API cơ bản trong thuốc để tạo cơ hội thoát lệ thuộc vào Trung Quốc. Từ trước đến nay, 80% thành phần API của Ấn Độ được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hồi tháng 7, Ấn Độ đã thành lập 3 trung tâm sản xuất API lớn trị giá 134 triệu USD và 4 trung tâm sản xuất thiết bị y tế trên cả nước.  

Tính theo khối lượng, Ấn Độ chiếm 20% thị phần thuốc generic (thuốc có cùng hoạt chất với thuốc biệt dược gốc) và 62% thị phần vaccine trong nguồn cung ứng toàn cầu. Đây cũng là quốc gia có số lượng lớn nhất các nhà sản xuất thuốc được FDA chấp thuận.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp ngăn ngừa bị phụ thuộc chuỗi cung ứng y tế
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp ngăn ngừa bị phụ thuộc chuỗi cung ứng y tế

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 6/8, tại thành phố Clyde, bang Ohio, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm đảm bảo các dược phẩm, thiết bị và vật tư y tế thiết yếu phải được sản xuất tại Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN