Theo đó, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được áp dụng trong khi số du khách đến thăm đền Taj Mahal bị hạn chế ở mức 5.000 lượt người/ngày, chỉ bằng 25% so với thời điểm bình thường. Du khách cũng buộc phải mua vé vào cửa trực tuyến và được đo thân nhiệt khi đến địa điểm này.
Đền Taj Mahal là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Ấn Độ, thu hút 7 triệu lượt du khách tới thăm mỗi năm. Do dịch COVID-19 bùng phát, ngôi đền này đã phải đóng cửa từ tháng 3 vừa qua.
Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ chưa có dấu hiệu lắng dịu khi số ca mắc mới và số ca tử vong hằng ngày vẫn ở mức cao, lần lượt là trung bình 100.000 ca và 1.000 ca. Tính đến thời điểm hiện tại Ấn Độ đã ghi nhận 5,4 triệu người mắc bệnh và 87.909 ca tử vong.
Ấn Độ đã tiến hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ tháng 3 vừa qua, song biện pháp này đã gây ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hàng chục triệu người dân. Trong những tháng gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng một số hạn chế, trong đó có việc nối lại một số tuyến tàu hỏa, cho phép các chuyến bay nội địa, chợ và nhà hàng hoạt động trở lại.
* Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế trên cả nước, trừ Auckland - thành phố đông dân nhất nước này.
Theo đó, mức cảnh báo tại thành phố Auckland sẽ hạ xuống cấp 2 từ ngày 24/9 tới. Với mức này, các sự kiện được phép diễn ra với số người tham gia không quá 100 người. Trong khi đó, những thành phố còn lại sẽ chuyển xuống mức cảnh báo cấp 1 từ đêm 21/9.
Tính đến nay, tổng số người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại New Zealand là 1.416 người.
* Tại châu Âu, Nga thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh từng áp dụng với các công dân một số nước. Cụ thể, Chính phủ Nga cho biết đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với người tới từ Hàn Quốc, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đồng thời người dân Nga có thể tới những quốc gia trên.
Thông báo trên được đưa ra hai ngày sau khi giới chức Nga cho biết sẽ nối lại các chuyến bay đến và đi từ Hàn Quốc từ ngày 27/9.
Hồi tháng 3, Nga đã cấm nhập cảnh với các công dân nước ngoài và dừng các chuyến bay quốc tế để hạn chế dịch COIVD-19 lây lan. Từ tháng 8, các quy định thắt chặt này dần được nới lỏng.
* Ngày 20/9, hàng nghìn người dân vùng thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã xuống đường biểu tình để phản đối cách xử lý của chính quyền khu vực trước tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19, trong đó có việc phong tỏa cục bộ ở các khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát ngôn viên của đảng Unidas Podemos tại Quốc hội, bà Isabel Serra, cho biết chính quyền vùng thủ đô Madrid đã công bố những hạn chế mới được áp dụng từ ngày 21/9 đối với 37 khu vực của vùng này, trong đó 26 khu vực nằm ở thành phố Madrid. Các biện pháp mới chủ yếu áp dụng đối với các khu vực tập trung đông người nhập cư và thu nhập thấp. Theo đó, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà để đi học, đi làm hoặc đi khám bệnh, trong khi các công viên đóng cửa và các nhà hàng chỉ được phục vụ 50% công suất.
Những người biểu tình cho rằng các khu vực phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến khoảng 850.000 người, thể hiện sự phân biệt đối xử với những cư dân nghèo hơn trong khu vực. Trong khi đó, chính quyền địa phương khẳng định các biện pháp hạn chế là cần thiết vì những khu vực nói trên có mức độ lây lan dịch cao nhất.
Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng cộng trên 640.000 ca mắc COVID-19 - nhiều nhất ở Tây Âu, trong đó hơn 30.000 người đã tử vong.
* Trong khi đó, đường phố tại thủ đô Quito của Peru nhộn nhịp trở lại sau khi chính quyền thành phố dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại hoàn toàn vốn được áp đặt trước đó nhằm kiểm soát dịch COVID-19.
Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 20/9 nhằm tái khởi động hoạt động kinh tế tại Quito bất chấp việc thành phố này vẫn là tâm điểm của dịch bệnh. Trước đó, các nhà chức trách Peru đã hạn chế lượng ô tô lưu thông tại Quito theo biển số chẵn lẻ.
Dù lệnh hạn chế đi lại đã được nới lỏng, song người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch khi ra ngoài, trong đó có đeo khẩu trang. Những người vi phạm sẽ chịu mức phạt là 100 USD.
* Theo Bộ Y tế Ecuador, riêng thành phố Quito ghi nhận tổng cộng 30.557 ca mắc COVID-19 trong tổng số 126.419 ca trên cả nước. Số ca tử vong do dịch bệnh tại nước này là 7.296 ca.
* Ngày 20/9, Bộ Y tế Iraq thông báo cấm người nước ngoài nhập cảnh nước này trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng tại Iraq cũng như các nước láng giềng.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ trưởng Y tế Hassan al-Tamimi cho biết Ủy ban Y tế và An toàn quốc gia quyết định không cho người nước ngoài nhập cảnh Iraq trong những ngày tới, trừ các phái bộ ngoại giao.
Bộ trưởng al-Tamimi đưa ra thông báo trên khi Bộ Y tế Iraq công bố thêm 3.438 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Iraq lên 319.035 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 64 ca lên 8.555 ca, trong khi số ca bình phục tăng thêm 4.052 ca lên 253.591 ca.
Số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại các nước láng giềng của Iraq cũng gia tăng. Bộ Y tế Iran xác nhận thêm 3.097 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 422.140 ca. Số ca tử vong tăng 183 ca lên 24.301 ca, trong khi tổng số ca khỏi bệnh tăng lên 359.570 ca.
Bộ Y tế Kuwait công bố thêm 385 ca mắc và 3 ca tử vong, theo đó tổng số ca mắc tại nước này tăng lên 99.434 ca với 584 ca tử vong. Kuwait cũng ghi nhận thêm 670 bệnh nhân đã bình phục, nâng tổng số ca khỏi bệnh tại đây lên 90.168 ca.
Bộ Y tế Saudi Arabia xác nhận thêm 483 ca mắc mới. Đây là số ca mắc trong một ngày thấp nhất tại vương quốc này kể từ giữa tháng 4, theo đó nâng tổng số ca mắc tại Saudi Arabia lên 329.754 ca. Số ca tử vong tăng 27 ca lên 4.485 ca, trong khi số ca bình phục tăng thêm 1.009 ca lên 310.439 ca.