Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 21/9 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 31.216.791 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 964.724 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 22.811.536 người, 7.432.036 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 61.466 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (87.382 ca), Mỹ (31.752 ca) và Brazil (16.282 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.135 ca), tiếp theo là Brazil (330 ca) và Mỹ (289 ca).
Mỹ: Gần 7 triệu ca bệnh, bang California vượt 15.000 ca tử vong
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ tới 6h sáng 21/9 (theo giờ VN) đã suýt soát ngưỡng 7 triệu người, trong đó có 204.087 ca tử vong và 4.245.712 bệnh nhân đã hồi phục.
Trong khi đó số ca tử vong tại tiểu bang California vượt qua ngưỡng 15.000 người trong ngày 20/9 ngay cả khi bang này đang chứng kiến tốc độ lây lan chậm lại.
California, bang đông dân nhất nước Mỹ, có số ca nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận nhiều nhất ở nước này với khoảng 775.000 ca, nhưng các chỉ số chính về dịch bệnh đã giảm đáng kể kể từ sau đợt gia tăng đột biến trong dịp lễ Tưởng niệm. Tỷ lệ lây nhiễm của tiểu bang đã giảm xuống 3% trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ những ngày đầu tiên của đại dịch. Số ca nhập viện đã giảm xuống dưới 2.700, thấp nhất kể từ đầu tháng 4, và số bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt đã giảm xuống dưới 850.
Châu Á: Ấn Độ dự kiến vượt Mỹ chỉ trong ít tuần
Liên tiếp trong những tuần qua, mỗi ngày Ấn Độ ghi nhận tới trên 90.000 ca lây nhiễm mới, khiến tổng số ca bệnh tại nước này được dự báo sẽ sớm vượt qua Mỹ. Theo trang worldometers, trong vòng 24 giờ tính đến 6h sáng 21/9, Ấn Độ ghi nhận 87.382 ca nhiễm, nâng tổng số ca bệnh lên 5.485.612 người trong đó có 87.909 ca tử vong.
Mặc dù tổng ca mắc COVID-19 hiện đứng sau Mỹ, nhưng Ấn Độ lại có số bệnh nhân đã hồi phục cao nhất thế giới. Tỉ lệ hồi phục hiện là khoảng 80%.
Tại khu vực Đông Nam Á, hai nước Indonesia và Philippines cũng là những điểm nóng của dịch COVID-19, với số ca nhiễm trong ngày lần lượt ở mức 3.989 ca và 3.311 ca. Dịch đã lây lan toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia, đặc biệt trong 24 giờ qua thủ đô Jakarta ghi nhận 1.138 ca nhiễm mới - cao nhất trên cả nước. Khu vực thủ đô Manila của Philippines cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất so với các địa phương khác.
Trong khi đó, đối mặt với làn sóng gia tăng mạnh ca lây nhiễm, Myanmar đã công bố các biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Các biện pháp mới, sẽ có hiệu lực từ ngày hôm nay, 21/9, yêu cầu người dân tại thành phố lớn nhất đất nước là Yangon phải ở trong nhà và mỗi hộ gia đình chỉ được phép một người ra khỏi nhà để đi mua thực phẩm, hai người được đi khám chữa bệnh. Việc đeo khẩu trang là bắt buộc. Mọi nhân viên công sở phải làm việc tại nhà, trong khi các nhà máy, doanh nghiệp xây dựng, đánh bắt hải sản phải ngừng hoạt động kể từ ngày 24/9 đến 7/10. Hoạt động đi lại ra khỏi Yangon bị cấm và mọi chuyến bay đã bị đình lại kể từ ngày 11/9 vừa qua.
Trong ngày 20/9, Myanmar chứng kiến ca nhiễm mới tăng vọt lên 671 người, nâng tổng số ca bệnh lên 5.541, trong đó có 92 ca tử vong.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Malaysia, nước này có 52 ca nhiễm mới, gồm 12 ca nhập cảnh và 40 lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Malaysia hiện đã lên tới 10.219 ca, trong khi nước này phát hiện ổ dịch mới sau khi truy vết một bệnh nhân di chuyển từ bang Penang tới thành phố Sabah, bang Borneo.
Hàn Quốc gia hạn giãn cách xã hội cấp 2 trên toàn quốc
Cùng ngày 20/9, Hàn Quốc đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 2 trên toàn quốc thêm một tuần đến ngày 27/9 tới, trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 theo cụm và những ca mắc không xác định được nguồn lây vẫn ở mức cao trước thềm kỳ nghỉ lễ Trung thu.
Theo đó, những cơ sở bị coi là có “nguy cơ cao” lây lan dịch COVID-19 như quán bar, karaoke, trung tâm tổ chức tiệc buffet, và những cơ sở công cộng tập trung đông người như bảo tàng và thư viện sẽ tiếp tục đóng cửa thêm một tuần. Những nơi có rủi ro thấp hơn, như nhà hàng và cơ sở tôn giáo, mặc dù được phép hoạt động song phải theo dõi nhật ký khách ra vào và tuân thủ các quy định về giãn cách.
Ngày 20/9 đánh dấu số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Hàn Quốc lần đầu tiên xuống mức 2 con số sau 38 ngày, song số ca không xác định được nguồn lây vẫn đang ở mức cao và số trường hợp được tiến hành xét nghiệm cũng thấp hơn vào dịp cuối tuần.
Nhật Bản: 6 ngày liên tiếp ca nhiễm mới ở mức 3 con số
Tại Nhật Bản, đến tối 20/9, nước này ghi nhận thêm 480 ca nhiễm mới, trong đó số ca nhiễm mới tại tâm dịch là thủ đô Tokyo chiếm tới 162 ca. Như vậy, số ca nhiễm mới hằng ngày tại thủ đô Tokyo đã ở mức trên 100 ca trong 6 ngày liên tiếp.
Tổng số ca nhiễm ở Nhật Bản đã lên tới 79.260 ca, tromg đó số ca nhiễm tại Tokyo là 24.208 ca, cao nhất trong 47 tỉnh của nước này.
Australia: Ca nhiễm mới thấp nhất 3 tháng
Australia ngày 20/9 thông báo có thêm 19 ca nhiễm mới - mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Trong các ca nhiễm mới này, 14 ca tập trung tại Victoria - bang chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 tại Australia. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là 849 ca.
Châu Âu đối phó làn sóng thứ hai
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 6.148 ca nhiễm mới và 79 ca tử vong. Đến nay, quốc gia châu Âu này đã ghi nhận 1.103.399 ca mắc COVID-19 và 19.418 ca tử vong.
Anh phạt nặng người vi phạm quy định cách ly
Theo quy định mới được công bố nhằm đối phó với dịch COVID-19, những người tại xứ England của Anh từ chối tự cách ly để phòng ngừa dịch bệnh có thể bị phạt tiền lên tới 10.000 bảng Anh (13.000 USD).
Trong bối cảnh Anh đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố các biện pháp hạn chế mới để phòng dịch tại Tây Bắc, miền Bắc và Trung England. Cụ thể, từ ngày 28/9, sẽ bắt buộc phải tự cách ly đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc được chương trình xét nghiệm và truy vết của Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) Anh khuyến cáo tự cách ly.
Khu vực vùng thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp kiểm soát trở lại, mặc dù chính phủ cố gắng tránh kêu gọi đóng cửa. Các hạn chế sẽ được áp dụng cho các khu vực có hơn 1.000 ca lây nhiễm trên 100.000 dân và có thể sẽ ảnh hưởng đến gần một triệu người.
Trong khi đó, các quốc gia Trung và Đông Âu cũng đang chứng kiến các ca lây nhiễm tăng nhanh, dù đây là những nước đã sớm thành công trong kiểm soát dịch bệnh ở làn sóng thứ nhất. Thành công sớm này có thể đã dẫn tới tâm lý chủ quan trong công chúng, nhất là tại những nước có các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong dư luận. Thủ tướng Séc, Andrej Babiš, thừa nhận chính phủ đã nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, bao gồm cả việc bắt buộc phải đeo khẩu trang trong nhà, do "nhu cầu xã hội cao".