Ấn Độ, Malaysia và Philippines đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine COVID-19

Đối mặt với bùng phát lây nhiễm COVID-19 trong nhiều tuần qua, Ấn Độ cùng với Malaysia và Philippines đang tìm cách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, coi đây là điểm tựa để thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế được tiêm ngừa vaccine COVID-19 tại bệnh viện ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: AP

Tại Ấn Độ, số ca lây nhiễm trong ngày 30/5 là 165.553 trường hợp, mức thấp nhất trong 6 tuần trở lại đây. Số ca tử vong cũng có chiều hướng giảm, còn 3.460 ca và là ngày thứ 3 liên tiếp dưới 4.000 ca. 
Chiến dịch tiêm chủng đang được Ấn Độ đẩy nhanh dù nguồn cung vaccine vẫn là thách thức lớn. Tính đến ngày 30/5, Ấn Độ đã tiêm được hơn 212 triệu liều vaccine, đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Mỹ. Có khoảng 12% dân số được tiêm ngừa ít nhất một mũi, trong đó có 3,1% đã được tiêm đủ. 

Chính phủ của Thủ tướng Narenda Modi ngày 30/5 cho biết, trong tháng 6, sẽ có khoảng 120 triệu liều vaccine được đưa vào chương trình tiêm chủng, tăng đáng kể so với mức 79,8 triệu liều trong tháng 5. Trước đó, các cố vấn chính phủ cũng cho biết Ấn Độ có thể đạt nguồn cung 2 tỉ liều vaccine trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay, trong đó chủ yếu là từ hai nhà sản xuất nội địa là Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) – chịu trách nhiệm sản xuất mẫu vaccine của AstraZeneca và Công ty Bharat Biotech, đầu mối sản xuất vaccine nội địa Covaxin.

Trong tháng 6, chính phủ sẽ cung ứng 60,9 triệu liều vaccine cho các bang để tiến hành tiêm ngừa cho nhân viên y tế cùng với một số lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch, người trên 45 tuổi. Khoảng 58,6 triệu liều sẽ là do chính quyền các bang, bệnh viện tư tự đặt mua và phân phối. 

Malaysia trong ngày 30/5 ghi nhận 6.999 trường hợp mắc COVID-19 mới và là ngày thứ 5 liên tiếp bùng nổ lây nhiễm. Chính phủ nước này có kế hoạch thiết lập thêm nhiều trung tâm tiêm phòng vaccine quy mô lớn, huy động đội ngũ y bác sĩ tư nhân tham gia chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh Malaysia chuẩn bị thực hiện đóng cửa trên phạm vi toàn quốc trong thời hạn hai tuần, từ 1-14/6.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 23/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo theo hình thức trực tuyến ngày 30/5, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết chính phủ sẽ thành lập mới 5 trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở Kuala Lumpur và có thể lập thêm hai trung tâm tương tự ở bang Penang miền bắc và bang Johor miền nam. Mỗi một trung tâm như vậy có khả năng tiêm ngừa 40.000 liều/ngày.

Chính phủ cũng sẽ tiến hành huấn luyện, đào tạo cho đội ngũ bác sĩ, y tá thực hiện tiêm chủng, xuất phát từ thực tế một số loại vaccine cần cách xử lý và bảo quản khác nhau và khác các loại vaccine thông thường. Ông Jamaluddin cũng cho biết, nguồn cung vaccine sẽ tăng trong thời gian tới, vì thế chính quyền sẽ huy động nhân lực từ các bệnh viện, trung tâm y tế tư nhân tự nguyện tham gia vào chiến dịch tiêm chủng. 

Theo ông Jamaluddin, chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin cũng dự kiến sẽ cho thành lập các trung tâm tiêm chủng vaccine di động tại các tuyến đường để tiêm ngừa cho người dân. Hiện có khoảng 6% trong tổng số 32 triệu dân Malaysia đã được tiêm ngừa ít nhất một mũi. 

Tại Philippines, người đứng đầu Lực lượng Đặc trách chống COVID-19 của Chính phủ Philippines, ông Czar Carlito Galvez Jr, ngày 30/5 cho biết đã có hơn 5 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân, sau gần 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Phần lớn trong số này được tiêm cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên, trong đó có 1,4 triệu liều cho nhân viên y tế, 1,368 triệu liều cho người lớn tuổi và 1,150 triệu liều cho người có bệnh lý nền. Các loại vaccine được đưa vào tiêm chủng tại Philippines gồm có Sinovac, AstraZeneca, Sputnik V và Pfizer. 

Ông Galvez cũng cho biết, trong tháng 6 Philippines dự kiến sẽ nhận thêm 10 triệu liều vaccine, trong đó có lượng vaccine thông qua chương trình Sáng kiến Covax, 2,3 triệu liều vaccine Pfizer, 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và 1 triệu liều vaccine Sinovac. Lô 250.000 liều đầu tiên của Moderna dự kiến cũng sẽ đến trong ngày 21/6.

Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đặt mục tiêm ngừa COVID-19 cho khoảng 70 triệu dân hoặc trên 50% dân số trong năm nay. Tuy nhiên kế hoạch này đang gặp phải thách thức lớn. Ngoài nguồn cung vaccine hạn chế, tâm lý chưa tin tưởng vào vaccine Trung Quốc cũng là rào cản lớn. Chính ông Duterte mới đây đã phải lên tiếng trấn an, kêu gọi người dân tránh tâm lý lựa chọn vaccine, mà phải thấy rằng có vaccine để tiêm đã là điều đáng mừng. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Reuters, Philstar)
 Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất trong 45 ngày
Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất trong 45 ngày

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Bộ Y tế Ấn Độ sáng 29/5 cho biết nước này ghi nhận thêm 173.790 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc theo ngày thấp nhất trong 45 ngày gần đây. Hiện số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ là 27,73 triệu người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN