“Theo quan điểm của chúng tôi, việc tham dự Hội nghị G20 là dành cho các thành viên và tổ chức mà chúng tôi đã mời”, ông Jaishankar nói với các phóng viên, lưu ý rằng danh sách đó đã được Ấn Độ tuyên bố ngay khi đảm nhận chức Chủ tịch G20 vào tháng 12 năm ngoái.
Ông Jaishankar nêu rõ việc mời Ukraine tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 “không phải là điều mà Ấn Độ đã xem xét và cũng không phải là điều New Delhi đã thảo luận với bất kỳ ai”.
Dự kiến cuộc xung đột ở Ukraine cũng như sự gián đoạn nguồn cung lương thực và nhiên liệu toàn cầu sẽ là những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở New Delhi sắp tới.
Trong khi Ukraine không phải là thành viên G20 nhưng Nga là một phần của nhóm này. Vào tháng 2/2022, xung đột Nga - Ukraine nổ ra và hai bên hiện vẫn trong tình trạng xung đột. Ấn Độ đã tìm cách hòa giải thông qua ngoại giao và đối thoại.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái tại Bali, Indonesia và ông Zelenskyy đã xuất hiện tại các hội nghị thượng đỉnh lớn khác, chẳng hạn như hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng trước tại Hiroshima, Nhật Bản.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã gặp ông Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay. Đây là cuộc gặp đầu tiên của họ kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Hồi tháng 4, Ukraine đã đề nghị Ấn Độ hỗ trợ thuốc và thiết bị y tế, đồng thời giúp nước này xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị xung đột tàn phá. Yêu cầu trên được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Emine Dzhaparova và là quan chức cấp cao nhất của Ukraine, đưa ra nhân chuyến thăm Ấn Độ.
Trong chuyến thăm, bà Dzhaparova nhấn mạnh Ukraine mong muốn xây dựng mối quan hệ bền chặt và gần gũi hơn với Ấn Độ.
Đáp lại yêu cầu của Ukraine, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, ngoài việc cung cấp thuốc và thiết bị y tế, Ấn Độ cũng sẽ cung cấp xe buýt trường học cho Ukraine.
Ấn Độ đã sơ tán gần 20.000 sinh viên nước này đang học tập tại Ukraine, chủ yếu là ở các trường cao đẳng y tế, sau khi xung đột bùng nổ.