Biểu tượng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tại trụ sở ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ cũng đang cân nhắc các biện pháp như gia hạn trợ cấp lãi suất cho các khoản vay ngân hàng và đưa ra các ưu đãi để giúp các nhà xuất khẩu đa dạng hóa thị trường. Các đề xuất khác đang được xem xét bao gồm gia hạn bảo hiểm do chính phủ bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng của các nhà xuất khẩu và các ưu đãi tiếp thị để thúc đẩy các lô hàng đến các thị trường thay thế ở Mỹ Latinh và Châu Phi.
Các biện pháp hỗ trợ sẽ được thảo luận tại một cuộc họp do Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Piyush Goyal triệu tập, với gần 30 tổ chức hỗ trợ xuất khẩu.
Trước ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa các nước, cũng như mức thuế lên tới 26% từ Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế xuống 6,5%, thấp hơn 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 2.
Cùng ngày, các quan chức cấp cao của chính phủ và ngân hàng trung ương Nhật Bản đã tổ chức các cuộc hội đàm khẩn cấp, khi cổ phiếu Tokyo tiếp tục biến động mạnh trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về sự suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày 9/4, chỉ số Nikkei của sàn chứng khoán Tokyo đã giảm gần 4%, sau khi Mỹ không chấp nhận bãi bỏ mức thuế quan 24% với hàng hóa Nhật Bản.
Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Mỹ, nhấn mạnh các biện pháp hạn chế thương mại đa dạng của Mỹ sẽ có tác động lớn không chỉ đến quan hệ kinh tế song phương mà còn đến nền kinh tế toàn cầu và hệ thống thương mại đa phương.
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục yêu cầu Washington xem xét lại các biện pháp trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng rằng mức thuế quan cao hơn đáng kể sẽ "bóp nghẹt" nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của Nhật Bản.