Ấn Độ gấp rút triển khai tiêm chủng quy mô lớn

Chính phủ Ấn Độ đang gấp rút chuẩn bị cho một đợt tiêm chủng quy mô lớn vào năm 2021, trong bối cảnh số ca mắc bệnh COVID-19 ở nước này hiện đã vượt mức 10 triệu ca.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kế hoạch, vào đầu năm tới, Ấn Độ dự kiến triển khai chiến dịch tiêm đại trà một khi có vaccine ngừa COVID-19. Hiện chính phủ nước này đang xem xét các đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp 3 loại vaccine tiềm năng nhất. Dự kiến sẽ có khoảng 300 triệu người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng quy mô toàn quốc. Các nhân viên y tế sẽ là nhóm đối tượng được ưu tiên trước tiên, tiếp đến là những người trên 50 tuổi và những người có bệnh nền.

Tiến sĩ Srinath Reddy, một chuyên gia y tế công cộng, lưu ý rằng việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên cả nước sẽ là một thách thức lớn đối với đất nước 1,3 tỷ dân này. Nếu toàn bộ dân số Ấn Độ được tiêm vaccine, giới chức nước này ước tính chiến dịch tiêm chủng sẽ kéo dài đến tận năm 2022.

* Ngày 24/12, người đứng đầu cơ quan y tế bang Sao Paulo của Brazil - ông Jean Gorinchteyn, cho biết vaccine CoronaVac của công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc đã cho thấy hiệu quả phòng ngừa COVID-19 từ 50 - 90% trong các cuộc thử nghiệm ở Brazil. 

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 được đưa vào thử nghiệm tại Sao Paulo, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh CBN, ông Gorinchteyn nêu rõ các cuộc thử nghiệm đầu tiên cho thấy vaccine CoronaVac có hiệu quả hơn 50% - mức tối thiểu theo yêu cầu của cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa, và dưới 90%. 

Thông tin trên được ông Gorinchteyn đưa ra hai ngày sau khi Trung tâm Nghiên cứu y sinh Viện Butantan của bang Paulo - đơn vị hợp tác với Sinovac sản xuất vaccine, từ chối công bố kết quả một cuộc thử nghiệm trên 13.000 tình nguyện viên, làm dấy lên nhiều nghi ngại. Viện Butantan giải thích rằng đây là một điều khoản trong thỏa thuận hợp tác với Sinovac. 

Brazil là nước đầu tiên hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng của CoronaVac trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Viện Butantan và công ty Sinovac. Giám đốc Viện Butantan Dimas Covas khẳng định loại vaccine này đã đạt được mức hiệu quả và an toàn cần thiết, qua đó cho phép thực hiện bước tiếp theo là đệ trình hồ sơ lên các cơ quan quản lý để xin phép sử dụng khẩn cấp. Dự kiến, bang Sao Paulo có thể sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối tháng 1/2021.

Trước đó cùng ngày 24/12, dữ liệu sơ bộ từ cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine CoronaVac ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy chế phẩm sinh học này đạt hiệu quả phòng bệnh lên tới 91,25%. Cuộc thử nghiệm bắt đầu từ ngày 14/9 và có 1.322 tình nguyện viên tham gia. Các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết không phát hiện bất cứ triệu chứng nghiêm trọng nào trong quá trình thử nghiệm CoronaVac ở nước này, ngoại trừ một người bị dị ứng.

Phan An (TTXVN)
UAE tiêm chủng miễn phí vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc cho toàn dân 
UAE tiêm chủng miễn phí vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc cho toàn dân 

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp miễn phí cho toàn bộ cư dân vaccine phòng COVID-19 do Trung Quốc phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN