Theo một nguồn thạo tin tiết lộ ngày 5/1, Bộ Quốc phòng Ấn Độ sẽ triển khai tàu hộ tống các tàu hàng của Ấn Độ khi di chuyển qua các vùng biển quốc tế xung quanh Biển Đỏ. Các tàu hàng có thể sẽ phải khởi hành muộn hơn đến 14 ngày so với lịch trình ban đầu, do các tàu hộ tống phải hoạt động quay vòng. Hải trình dài hơn, tránh đi qua Biển Đỏ, cũng có thể làm tăng chi phí vận chuyển và bảo hiểm cho các chủ tàu.
Đầu tuần này, Hải quân Ấn Độ cho biết đã triển khai các tàu khu trục và tàu hộ tống đến các vùng biển phía Bắc Biển Arab để hỗ trợ các tàu hàng của nước này đi qua khu vực. Các tàu chở hàng đã phải định tuyến lộ trình tránh đi qua Biển Đỏ sau khi lực lượng Houthi ở Yemen tăng cường các cuộc tấn công trên biển nhằm vào các tàu thương mại trong bối cảnh leo thang xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.
Cùng ngày 5/1, công ty vận tải biển Maersk của Đan Mạch cho biết trong thời gian tới sẽ chuyển hướng tất cả các tàu hàng theo lộ trình vòng qua châu Phi, thay vì sử dụng tuyến đường đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Trong thông báo, Maersk cho biết, do rủi ro an ninh trên Biển Đỏ tiếp tục ở mức cao, công ty đã quyết định chuyển hướng tất cả các tàu có lộ trình qua Biển Đỏ hoặc Vịnh Aden về phía Nam đi qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi.
Phòng Vận tải Biển Quốc tế (ICS) cho biết, với 12% thương mại hàng hóa của thế giới vận chuyển qua đây, Biển Đỏ có tuyến đường thủy quan trọng nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, hay từ châu Âu đến châu Á. Khoảng 20.000 lượt tàu đi qua Kênh đào Suez mỗi năm và Biển Đỏ là cửa ngõ cho tàu bè ra vào khu vực này.
Theo tính toán, việc thay đổi lộ trình vòng qua khu vực phía Nam của châu Phi sẽ khiến các hãng vận tải tốn thêm 1 triệu USD tiền nhiên liệu cho mỗi chuyến tàu vận tải khứ hồi giữa Bắc Âu và châu Á.