Trong bối cảnh giá lương thực ở Argentina đã tăng 20% chỉ trong 3 tháng qua, cần phải có một mạng lưới kết hợp các tổ chức công, tư để cung cấp thức ăn cho hàng triệu người. Cô Gonzales với bếp từ thiện của mình đã có 8 năm hoạt động, cấp phát đồ ăn miễn phí cho người dân địa phương, với sự hỗ trợ của nhà nước, các nhà từ thiện tư nhân, cũng như sự đóng góp của người dân địa phương. Bếp ăn của Gonzales không thể bỏ lỡ một buổi nấu nào vì trẻ em đến nhận đồ ăn hằng ngày. Bếp từ thiện của cô nhận được sự hỗ trợ từ mạng lưới Barrios de Pie, một phong trào xã hội ra đời từ cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây 20 năm và đến nay vẫn hoạt động tích cực.
Theo số liệu chính thức, hơn 4 triệu người ở Argentina phụ thuộc vào viện trợ công. Gần đây, Chính phủ Argentina đã phải tăng 50% trị giá phiếu thực phẩm cung cấp cho 2,4 triệu hộ gia đình ở nước này, từ mức 78-156 USD/tháng. Khoảng 300.000 trẻ được cấp đồ ăn tại trường học, trong khi các tổ chức tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ cũng cấp phát bữa ăn hằng ngày cho nhiều em. Các cửa hàng địa phương hỗ trợ phần thiếu hụt còn lại, cung cấp thực phẩm cho các bếp từ thiện hoặc đôi khi cung cấp trực tiếp cho các hộ gia đình thiếu ăn.
Theo nhà xã hội học Ricardo Rouvier thuộc Đại học San Andres, Argentina có một mạng lưới hỗ trợ xã hội lớn hơn bất kỳ nước nào khác ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, quốc gia này đang đối mặt với vấn đề nan giải là phải hạn chế chi tiêu theo cam kết với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tái cơ cấu khoản nợ hàng triệu USD. Tình hình ở nước này trở nên trầm trọng hơn khi cuộc xung đột ở Ukraine khiến lạm phát tăng trên toàn cầu đồng thời nền kinh tế bị thiệt hại do tác động của đại dịch COVID-19.
Trong một báo cáo công bố ngày 27/4, Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Argentina năm nay ở mức 3%, đồng thời cảnh báo tỉ lệ lạm phát cao liên tục và tỉ lệ thất nghiệp có khả năng cao hơn ở nước này.
Trong tình hình khó khăn như vậy, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân cung cấp đồ ăn miễn phí cho những người gặp khó khăn ở Argentina thực sự đóng vai trò quan trọng. Bà Virginia Ronco thuộc Ngân hàng lương thực Munro lớn nhất Argentina, nơi cung cấp lương thực cho khoảng 340.000 người/ngày, cho biết các tổ chức phi chính phủ cùng các bếp từ thiện tư nhân đã dồn nhiều tâm huyết và nhiệt tình để giúp những người trong hoàn cảnh khó khăn.