Theo đó, Alibaba nằm trong số hơn 270 công ty Trung Quốc niêm yết tại New York được xác định có nguy cơ bị hủy niêm yết theo Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm (HFCAA). Đạo luật này nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài về việc tuân thủ kiểm toán của các công ty Trung Quốc tham gia niêm yết tại Mỹ.
Các nhà quản lý Mỹ đã yêu cầu quyền tiếp cận đầy đủ vào các thông tin kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại New York, vốn được lưu trữ tại Trung Quốc.
Trong khi Washington và Bắc Kinh đang đàm phán về tranh chấp, nhà điều hành KFC Yum China Holdings, công ty công nghệ sinh học BeiGene Ltd, Weibo Corp và JD.Com nằm trong số các công ty có thể phải đối mặt với việc hủy niêm yết. Những cái tên khác được thêm vào danh sách trên cùng ngày 29/7 bao gồm Mogu Inc, Boqii Holding Limited, Cheetah Mobile Inc và Highway Holdings Limited.
Cũng trong ngày thứ Sáu, cổ phiếu của Alibaba đã để mất 11% xuống 89,37 USD/ cổ phiếu vào lúc đóng cửa, qua đó kết thúc tháng Bảy với mức giảm 21,4%. Cổ phiếu của "gã khổng lồ" thương mại điện tử Trung Quốc đã chịu nhiều áp lực sau khi các báo cáo cho thấy tỷ phú – nhà sáng lập Jack Ma đang có kế hoạch nhượng lại quyền kiểm soát công ty công nghệ tài chính Ant, một chi nhánh của Alibaba.
Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Alibaba vào năm 2014 là đợt IPO ra mắt lớn nhất trong lịch sử vào thời điểm đó. Sự kiện này cũng mở đường cho các công ty Trung Quốc khác niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ để tìm kiếm nguồn vốn mới.
Hiện Alibaba có kế hoạch IPO niêm yết chính ở thị trường Hong Kong (Trung Quốc), nhắm mục tiêu đến các nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục. Nhà phân tích Bo Pei của công ty môi giới đầu tư American Tiger Securities cho biết việc đăng ký trạng thái niêm yết chủ chốt ở Hong Kong không nhất thiết có nghĩa là Alibaba nghĩ rằng họ sẽ bị hủy niêm yết ở Mỹ. Đó có thể chỉ là nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn.