Phát biểu trước các cổ đông tại đại hội thường niên ở Paris, Giám đốc điều hành Benjamin Smith cho biết hãng sẽ phải ngừng các chuyến bay giữa các thành phố mà tàu điện có thể kết nối trong chưa đến hai giờ rưỡi, và nếu dịch vụ không làm tăng lưu lượng giao thông tại điểm trung tâm của hãng ở Paris là sân bay Charles de Gaulle. Nói cách khác, việc cắt giảm này sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt một số tuyến bay hằng ngày từ các thành phố như Bordeaux, Lyon hoặc Nantes tới sân bay Orly ở Paris, sân bay vốn đã phải đóng cửa do các chuyến bay nội địa hủy bỏ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hoạt động vận tải nội địa của Air France đã thiệt hại tới 200 triệu euro trong năm ngoái, một phần vì sự cạnh tranh của dịch vụ đường sắt tốc độ cao (TGV).
Trước đó, Chính phủ Pháp đã quyết định cứu trợ 7 tỷ euro cho Air France, bao gồm khoản vay 4 tỷ euro từ 6 ngân hàng, trong đó Chính phủ Pháp bảo lãnh 90%, cùng 3 tỷ euro vay trực tiếp từ nhà nước, để giúp hãng hàng không quốc gia vượt qua khủng hoảng, đảm bảo việc làm cho nhân viên. Đổi lại, Air France cam kết đảm bảo về lợi nhuận và cải thiện vấn đề về môi trường, như cam kết giảm một nửa khí thải của các chuyến bay nội địa vào năm 2024. Air France sẽ phải trình kế hoạch giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chuyển đổi đội máy bay sao cho ít gây ô nhiễm hơn.
Trong quý I vừa qua, Air France đã thiệt hại 1,8 tỷ euro, đồng thời dự báo sẽ mất nhiều năm mới có thể trở lại hoạt động tương tự trước khi xảy ra dịch.
* Trong khi đó, tại Đức, hãng hàng không Lufthansa cho biết "không thể chấp nhận" khoản cứu trợ trị giá 9 tỷ euro của Chính phủ Đức do lo ngại các điều kiện quá hà khắc của Brussels. Tuyên bố của công ty nêu rõ các điều kiện hiện nay của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ làm suy yếu chức năng trung tâm của hãng tại "sân nhà" là sân bay Frankfurt và Munich. Vì vậy, ban lãnh đạo Lufthansa "không thể chấp thuận gói cứu trợ đi kèm với các điều kiện của EU".
Trong quý I/2020, khi vẫn chưa tính hết các tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Lufthansa đã thông báo khoản thua lỗ 1,2 tỷ euro và dự báo một kết quả kinh doanh thậm chí tệ hơn trong quý II. Ngày 24/5, hãng đã thông báo nối lại các chuyến bay tới 20 điểm từ giữa tháng 6 tới, bao gồm cả các điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng.
* Trong một diễn biến khác, hãng hàng không giá rẻ SkyUp của Ukraine đang tìm cách vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 bằng cách chuyển đổi hầu hết các máy bay sang cung cấp dịch vụ chở hàng để có thể duy trì hoạt động.
8 trong số 11 chiếc Boeing 737-800 và 900 của hãng đã tháo hết ghế ngồi và các vách ngăn để tạo không gian đặt hàng hóa. Hãng hàng không tư nhân mới hoạt động cách đây 2 năm này đã vận chuyển chuyến hàng đầu tiên vào tháng 4, khi chở thiết bị vật tư y tế từ Trung Quốc tới Ukraine. Kể từ đó, hãng đã thực hiện 250 chuyến bay chở hàng và giành được nhiều hợp đồng tại các nước như Anh, Pháp và Đức. Nhờ bắt kịp xu hướng mới, SkyUp đã có thể đảm bảo việc làm cho hầu hết nhân viên.
Tổng Giám đốc SkyUp, Yevhen Khainatsky cho biết vốn là một hãng hàng không chở khách, SkyUp chưa bao giờ nghĩ đến việc chở hàng hóa. Nhưng khủng hoảng đã buộc hãng phải làm như vậy và "dịch đã đem lại sức mạnh mới và thúc đẩy chúng tôi tìm kiếm lĩnh vực kinh doanh mới".