Thông báo của Phủ Tổng thống Ai Cập cho biết ông El-Sisi và bà Amina Mohammed đã tập trung bàn thảo về những đóng góp của Ai Cập cho hợp tác đa phương, đặc biệt về an ninh, hòa bình, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Hai bên đề cập những diễn biến mới nhất trong khu vực, cách thức để khôi phục ổn định trong khu vực, cũng như những nỗ lực đang được thúc đẩy hiện nay để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trao đổi con tin giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas.
Tổng thống Ai Cập và Phó Tổng thư ký LHQ đã điểm lại những nỗ lực của Cairo trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine ở Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA).
Về cuộc khủng hoảng tại Sudan, Tổng thống El-Sisi khẳng định Ai Cập ủng hộ các nỗ lực chung của quốc tế và khu vực nhằm cung cấp mọi biện pháp hỗ trợ để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị và thảm kịch nhân đạo mà người dân Sudan đã phải chịu đựng kể từ tháng 4/2023.
Về phần mình, Phó Tổng thư ký LHQ đánh giá cao những nỗ lực của Ai Cập trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như ngăn chặn một cuộc đối đầu khu vực có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng xét trên bình diện khu vực và quốc tế.
* Cũng trong ngày 20/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Qatar, điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến công du Trung Đông nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, chấm dứt tình hình xung đột kéo dài hơn 10 tháng qua tại vùng đất ven Địa Trung Hải này. Theo kế hoạch, ông Blinken sẽ hội kiến Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani.
Trước đó, cùng ngày, trong cuộc gặp tại New Alamein, ông Blinken và Tổng thống Ai Cập El-Sisi đã thảo luận về những nỗ lực hòa giải chung của Ai Cập, Mỹ và Qatar nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas.
Theo các nguồn tin tại Ai Cập, Cairo dự kiến sẽ sớm tổ chức các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Hamas cho biết họ "muốn đạt được thỏa thuận ngừng bắn" nhưng phản đối các điều kiện mà Israel bổ sung trong đề xuất mới nhất của Mỹ. Israel và Hamas đã đổ lỗi cho nhau về sự chậm trễ trong việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin. Một trong những điểm bế tắc chính là yêu cầu lâu nay của Hamas về "việc rút hoàn toàn quân đội Israel ra khỏi mọi khu vực ở Dải Gaza". Tuy nhiên, Israel đã phản đối yêu cầu này.