Ai Cập thực sự đổi hướng sang Nga?

Theo nhiều nguồn tin báo chí cuối tháng 4/2014, Ai Cập sẽ sớm ký kết một thương vụ vũ khí lớn với Nga để mua 24 máy bay chiến đấu MiG-35. Đánh giá về diễn biến này, Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS) cho rằng thương vụ này nếu được hoàn tất sẽ là sự kiện quan trọng trong bức tranh chiến lược Trung Đông đồng thời cũng là một dấu hiệu khác cho thấy Mỹ giảm bớt can dự vào khu vực.

Ai Cập nhận 1,3 tỉ USD/năm viện trợ của Washington và chủ yếu để mua thiết bị quân sự của Mỹ. Cairo cũng mua một số khí tài và thiết bị quốc phòng từ những quốc gia khác, trong đó có Nga. Trong khi mối quan hệ giữa Cairo và Washington đã nguội lạnh kể từ khi bắt đầu nổ ra "Mùa xuân Arập" tại Ai Cập. Tháng 8/2011, Mỹ hủy tham gia cuộc tập trận chung với nước này sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất. Mặc dù vẫn nhận được viện trợ đầy đủ năm 2012, tình hình đã thay đổi sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ đầu tháng 7/2013.

Máy bay chiến đấu MiG-35 của Nga


Washington thông báo hoãn chuyển một lô máy bay F-16 cho Ai Cập đồng thời thông báo điều chỉnh lại viện trợ quốc phòng cho nước này với lời giải thích rằng luật pháp Mỹ cấm cung cấp vũ khí cho các chính phủ lên nắm quyền thông qua đảo chính quân sự. Chính khó khăn trong việc nhận vũ khí từ Mỹ và việc không hài lòng với chính sách Trung Đông của Washington là lý do khiến Ai Cập quay sang Nga. Tuy nhiên, những thông tin về thỏa thuận mới nhất đã làm phát sinh nhiều câu hỏi.

Một là, trên phương diện kỹ thuật, thì "văn hóa công nghệ" của Nga hoàn toàn khác với Mỹ. Trong khi quân đội Ai Cập, nhất là không quân, đã trải qua sự chuyển giao phức tạp, lâu dài và tốn kém kể từ những năm 1980, từ công nghệ và học thuyết chiến đấu của Xô Viết sang của Mỹ. Mặc dù vẫn sử dụng các hệ thống khí tài của Nga, nhất là các hệ thống phòng không, việc mua máy bay hiện đại của nước này sẽ đòi hỏi một hệ thống hậu cần mới tách biệt với hệ thống được dùng cho máy bay Mỹ. Việc này không chỉ liên quan tới mua máy bay mà còn cả các hệ thống vũ khí mới, xa lạ cùng với hệ thống bảo trì và huấn luyện riêng. Đây là một quá trình dài và tốn kém nên không hề logic.

Hai là, kể từ khi bắt đầu các sự kiện năm 2011, kinh tế Ai Cập đã suy yếu nên việc Cairo có đủ sức tham gia thương vụ tốn kém này hay không cũng là vấn đề đáng quan tâm. Dù một số thông tin cho rằng Saudi Arabia hoặc Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) sẽ hỗ trợ tài chính cho Cairo nhưng thương vụ này vẫn bị nghi ngờ. Hai quốc gia vùng Vịnh đều rất bất bình với chính sách của Mỹ về khu vực nên Riyadh rất có thể thách thức Washington bằng cách viện trợ cho Ai Cập khi Mỹ đe dọa cắt khoản tài chính cho Cairo. Tuy nhiên, Saudi Arabia còn lâu mới sẵn lòng cấp tiền cho thương vụ giữa Ai Cập và Nga, vì bản thân Riyadh cũng bất đồng với Moskva, nhất là do sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ba là, mặc dù tức giận với Mỹ và muốn thách thức Washington, Ai Cập sẽ khó có thể thực sự cắt quan hệ và từ bỏ viện trợ quốc phòng cùng các thương vụ vũ khí của Mỹ. Trên thực tế, cả Nga và Ai Cập vẫn chưa xác nhận về thông tin liên quan tới thương vụ MiG-35.

Mặc dù thương vụ vũ khí này có giá trị kinh tế lớn, mối quan tâm chính của Nga là lĩnh vực chính trị-chiến lược. Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của Moskva nhằm khôi phục vị thế ở Trung Đông, vốn đã bị suy yếu mạnh trong Mùa xuân Arập. Do đó, Nga đã tăng cường nỗ lực trong năm qua nhằm nối lại quan hệ với các quốc gia Trung Đông và chuyển sang biện pháp "ngoại giao cung cấp vũ khí". Moskva được cho là đã tiến hành các cuộc thương lượng với Iraq về bán vũ khí; đàm phán với Liban và Jordan, thậm chí thảo luận khả năng cung cấp cho Jordan một lò phản ứng hạt nhân; bàn về một thương vụ vũ khí lớn với Saudi Arabia bất chấp những bất đồng cơ bản giữa hai nước.

Cách hành xử của Nga ở Trung Đông gần đây đã thay đổi đôi chút vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga đã xác định rõ Trung Đông là một mặt trận khác trong cuộc đấu tranh toàn cầu chống phương Tây, cũng như cân bằng các áp lực đối với quốc gia này ở Đông Âu. Trong bối cảnh này, hoạt động tăng cường của Nga ở Syria và có thể ở cả Iran là rất đáng chú ý. Nga cũng đang mở rộng hoạt động tại những nơi khác trong khu vực, tạo thách thức cho phương Tây. Do đó, thương vụ vũ khí với Ai Cập có thể giúp nâng mạnh vị thế quốc tế của Nga và là minh chứng giá trị cho những nước khác trong khu vực noi theo.

Đối với Nga, thương vụ này sẽ là một thành tựu chiến lược rất có ý nghĩa trong cuộc đấu với phương Tây. Đối với Israel, việc Ai Cập bổ sung thêm một hay hai phi đội máy bay như vậy sẽ không có tầm quan trọng chiến thuật lớn. Tel Aviv đánh giá tầm quan trọng chiến lược có thể mang tính quyết định nếu xung đột giữa Nga và phương Tây leo thang và Nga giành được thêm vị thế ở Ai Cập.

Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn chưa được ký và còn nhiều trở ngại để hoàn tất, như về kỹ thuật, vận hành, kinh tế và nhất là chính trị và chiến lược. Trong khi đó, Mỹ vẫn có nhiều công cụ để gây áp lực lên Ai Cập và ngăn chặn thỏa thuận này diễn ra. Do đó, theo INSS, những thông tin này chỉ nên được xem như một lời cảnh báo đối với những người ra quyết sách ở Washington, chứ không phải là một sự thay đổi chiến lược thực sự của Cairo.


TTK
Ai Cập: Tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên El-Sisi vượt xa đối thủ Sabahi
Ai Cập: Tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên El-Sisi vượt xa đối thủ Sabahi

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi tiếp tục dẫn điểm trước ứng cử viên tổng thống thuộc phe cánh tả Hamdeen Sabahi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN