Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong khuôn khổ cuộc họp trực tuyến diễn ra cùng ngày giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia nhằm thảo luận về khả năng "hồi sinh" các cuộc đàm phán ba bên, Sudan, với tư cách chủ trì vòng đàm phán mới, sẽ tổ chức thảo luận kéo dài một tuần nhằm đánh giá lại những đề xuất mà ba nước đã chuẩn bị trong các phiên đàm phán trước. Trên cơ sở đó, Cairo, Khartoum và Addis Ababa sẽ thống nhất đưa ra phương án khả thi hơn nhằm nâng cao hiệu quả của các cuộc đàm phán trong thời gian tới.
Bộ Nguồn nước và Thủy lợi Ai Cập cho biết cuộc họp trực tuyến ngày 27/10 có sự tham dự của Bộ trưởng Nguồn nước và Bộ trưởng Ngoại giao của ba nước, cùng với Ngoại trưởng Nam Phi và các quan sát viên của AU, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Tại cuộc họp, Ai Cập đã tái khẳng định về tầm quan trọng của việc thực thi các quy định của văn phòng ủy ban AU nhằm đạt một thỏa thuận ràng buộc pháp lý về việc trữ nước và vận hành đập thủy điện Đại Phục Hưng, đáp ứng lợi ích chung và bảo vệ nhu cầu nguồn nước của mỗi bên.
Trong khi đó, Sudan nhấn mạnh việc tuân thủ tiến trình đàm phán là cách duy nhất để đạt được một thỏa thuận công bằng liên quan tới đập Đại Phục Hưng. Quan điểm của Khartoum là các quan sát viên cần có vai trò lớn hơn và hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán và giúp cân bằng quan điểm giữa ba nước.
Dự kiến Ai Cập, Sudan và Ethiopia sẽ thảo luận về một lộ trình và khung thời gian chi tiết cho tiến trình đàm phán, bên cạnh những kết luận cần phải đạt được dưới sự hỗ trợ của các quan sát viên. Tiến trình đàm phán 3 bên dưới sự bảo trợ của AU đã bị đình trệ hồi tháng 8 vừa qua, sau khi Ai Cập, Sudan và Ethiopia không thể giải quyết được các bất đồng pháp lý và kỹ thuật liên quan tới đập Đại Phục Hưng.
Là dự án thủy điện lớn nhất châu Phi, đập Đại Phục Hưng được khởi công xây dựng từ năm 2011 tại Ethiopia trên dòng sông Nile Xanh. Bất đồng về việc vận hành đập thủy điện này là nguyên nhân chính gây căng thẳng giữa Ethiopia và Ai Cập. Cairo lo ngại công trình này đe dọa nguồn nước sông Nile trong khi hơn 90% dân số Ai Cập phụ thuộc vào nguồn nước này. Tuy nhiên, Addis Ababa phủ nhận con đập sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước sông Nile của Ai Cập, đồng thời khẳng định dự án mà họ đang theo đuổi là rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Đập thủy điện Đại Phục Hưng dự kiến sẽ sản xuất hơn 6.000 MW điện, đưa Ethiopia tiến tới mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu điện năng lớn nhất châu Phi.