Ông Shoukry đưa ra tuyên bố này trong cuộc họp tham vấn tại New York giữa Ủy ban Bộ trưởng Arab-Hồi giáo với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Trung Quốc hiện đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Trong cuộc họp, Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry bày tỏ ghi nhận sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các nỗ lực của các nước Arab và Hồi giáo nhằm đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và vô điều kiện ở Dải Gaza.
Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đánh giá cao hoạt động hòa giải của Ai Cập và Qatar góp phần kéo dài lệnh ngừng bắn tạm thời hiện nay ở Dải Gaza và cho phép nhiều hàng viện trợ nhân đạo vào dải đất ven biển đang bị phong tỏa của Palestine.
Ông Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng nỗ lực hết sức để đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và vô điều kiện ở Dải Gaza, phù hợp với các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng LHQ và HĐBA LHQ. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhắc lại sự ủng hộ của Trung Quốc đối với giải pháp hai nhà nước như là lựa chọn khả thi duy nhất cho vấn đề Palestine.
Tại cuộc họp, Ủy ban Bộ trưởng Arab-Hồi giáo bày tỏ hy vọng có được tiếng nói thống nhất trong phiên họp của HĐBA LHQ về việc ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Gaza và thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Ủy ban Bộ trưởng Arab-Hồi giáo yêu cầu sự can thiệp của HĐBA LHQ để củng cố lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và ngăn chặn thương vong, đồng thời nhắc lại lập trường phản đối việc cưỡng bức di dời người Palestine.
Các thành viên Ủy ban Bộ trưởng Arab-Hồi giáo cũng đã gặp Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, bày tỏ sự đánh giá cao về những nỗ lực của ông Guterres nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng và ngăn chặn đổ máu kể từ khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bùng phát ngày 7/10.
Ngoại trưởng các nước Arab-Hồi giáo nhấn mạnh sự cấp thiết của việc biến lệnh ngừng bắn tạm thời ở Gaza thành thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, vô điều kiện nhằm chấm dứt các hành động thù địch.
Ủy ban Bộ trưởng Arab-Hồi giáo bao gồm ngoại trưởng các nước Saudi Arabia, Jordan, Ai Cập, Indonesia, Palestine và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), được thành lập theo nghị quyết của Hội nghị thượng đỉnh Arab-Hồi giáo tổ chức tại Riyadh vào ngày 11/11 để thúc đẩy chấm dứt xung đột giữa Israel và Hamas.