Các cuộc gặp trên diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao BRICS tại thành phố Kazan, Nga. Tại cuộc gặp, ông Abdelatty và ông Lavrov đã cảnh báo về những nguy cơ của tình trạng leo thang đang diễn ra có thể kéo toàn bộ Trung Đông vào một cuộc chiến tranh khu vực. Theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ai Cập, hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc theo đuổi một giải pháp chính trị đảm bảo ổn định khu vực bằng cách thành lập nhà nước Palestine như một giải pháp dứt điểm cho cuộc xung đột. Bộ trưởng Abdelatty đã nhấn mạnh những nỗ lực của Ai Cập nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Dải Gaza, trả tự do cho các con tin bị bắt giữ và tù nhân, đảm bảo tiếp cận viện trợ nhân đạo và nỗ lực ngăn chặn tình trạng leo thang hiện tại.
Trong cuộc gặp giữa ông Abdelatty với người đồng cấp Brazil Vieira, cả hai bên đều cho rằng hành động quân sự của Israel đe dọa toàn bộ khu vực, khiến Trung Đông có nguy cơ rơi vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp viện trợ nhân đạo và cứu trợ người dân ở các khu vực xảy ra giao tranh.
Ai Cập, cùng với Mỹ và Qatar, đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine để đạt được lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài một năm qua của Israel ở Gaza. Ai Cập đã nhiều lần kêu gọi giảm leo thang xung đột để ngăn chặn khu vực này rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện.
Về quan hệ giữa Ai Cập và Nga, ông Abdelatty và ông Lavrov đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của hợp tác song phương ở mọi cấp độ, bao gồm các dự án phát triển chung đang được triển khai. Ngoài ra, một số vấn đề cùng quan tâm và các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế cũng được thảo luận trong khuôn khổ của BRICS.
Còn về quan hệ song phương giữa Ai Cập và Brazil, ông Abdelatty và ông Vieira đã thảo luận về các cơ hội tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư thông qua các khuôn khổ song phương và BRICS, bao gồm cả việc sử dụng các đồng tiền quốc gia trong giao dịch thương mại. Hai bộ trưởng nêu bật việc tận dụng kinh nghiệm và nguồn lực từ cả hai nước để tăng cường tiếp cận các thị trường khu vực và quốc tế, đặc biệt là ở châu Phi. Ai Cập có lợi thế cạnh tranh đáng kể ở châu Phi, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) được ký kết.