Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ và Trung Đông, chuyến công du của ông Blinken tới Israel và một số quốc gia Arab kéo dài 1 tuần. Các quan chức Mỹ cho biết các điểm dừng khác của ông Blinken có thể gồm Jordan, Saudi Arabia, Qatar và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Theo lịch trình, tại điểm dừng chân đầu tiên ở Israel vào ngày 22/10, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Isaac Herzog. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết ông Blinken dự kiến sẽ thảo luận với các lãnh đạo của Israel về tầm quan trọng của việc chấm dứt xung đột ở Gaza, đảm bảo phóng thích tất cả con tin và giảm thiểu đau thương cho người dân Palestine. Ông Blinken cũng sẽ thảo luận về kế hoạch hậu xung đột và nhấn mạnh sự cần thiết phải vạch ra một con đường mới cho phép người Palestine xây dựng lại cuộc sống của họ.
Bên cạnh cuộc xung đột Gaza, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng sẽ trao đổi ý kiến về việc cần có một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Liban, trong đó cần thực thi đầy đủ Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc phối hợp chặt với các đối tác ở khu vực để làm giảm leo thang căng thẳng và mang lại sự ổn định lâu dài cho Trung Đông.
Chuyến thăm Trung Đông lần này của ông Blinken đã được lên hoạch sau khi thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel. Giới quan sát cho rằng chuyến công du mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ có thể mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán mới về đề xuất ngừng bắn vốn bị trì hoãn nhiều tháng qua.
Ông Blinken đã thực hiện 10 chuyến thăm trước đó tới Trung Đông kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra ở vào ngày 7/10/2023 nhằm tìm cách chấm dứt khủng hoảng. Các chuyến thăm trước đây của ông Blinken không mang lại nhiều kết quả trong việc chấm dứt xung đột, nhưng góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Trong diễn biến liên quan, trong chuyến thăm Beirut ngày 21/10, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) ông Ahmed Aboul-Gheit đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Liban và yêu cầu Israel phải rút quân đội khỏi miền Nam Liban.
Phát biểu sau cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri và Thủ tướng lâm thời Najib Mikati, ông Aboul-Gheit tuyên bố ủng hộ người dân, nhà nước và Chính phủ Liban, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, rút quân đội Israel khỏi các vùng lãnh thổ miền Nam Liban, không can thiệp vào Liban và quay trở lại thực thi ngay Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông cho biết những người dân Liban bị di dời cần phải được phép trở về nhà của mình ở miền Nam. Theo ông Aboul-Gheit, điều này “cần phải có được sự đảm bảo từ phía Israel” để tránh các cuộc đối đầu hoặc tấn công nhằm vào người dân Liban. Người đứng đầu AL kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm nhận trách nhiệm của mình nhằm chấm dứt xung đột và cung cấp hỗ trợ nhân đạo rộng rãi, mạnh mẽ và ngay lập tức. Ông nhấn mạnh: “Liban không thể bị bỏ lại trong thách thức này”.
Kể từ tháng 9/2204, căng thẳng khu vực ngày càng leo thang, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột toàn diện trong khu vực, đặc biệt kể từ khi Israel bắt đầu các chiến dịch trên bộ ở Liban chống lại lực lượng Hezbollah. Israel đã tăng cường các cuộc đột kích và pháo kích vào các khu vực phía Nam và phía Đông của Liban, cũng như Núi Liban và vùng ngoại ô phía Nam của thủ đô Beirut. Đầu tháng này, Israel tuyên bố tiến hành một chiến dịch trên bộ gần biên giới với miền Nam Liban.
Theo Bộ Y tế Liban, kể từ tháng 10/2023, các cuộc đụng độ giữa lực lượng Hezbollah và quân đội Israel đã khiến hơn 2.400 người thiệt mạng và hơn 11.000 người bị thương. Hãng thông tấn chính thức NNA của Liban đưa tin chỉ riêng trong ngày 21/10, ít nhất 20 người đã thiệt mạng và một số người khác bị thương trong các cuộc không kích của Israel vào các khu vực phía Nam, phía Đông và phía Bắc của nước này.