Ai Cập, chợt nhớ, chợt mong(Bài cuối)

Từ khi Ai Cập thiết lập chế độ cộng hòa đầu tiên bằng việc lật đổ Vua Farouk hồi năm 1952, nơi đây đã trải qua 4 đời tổng thống, đều mặc áo lính, nhờ vậy, quân đội đã ăn sâu vào các thể chế chính trị, vào việc hoạch định mọi quốc sách, cho dù họ không phải là những người xông pha trận mạc cừ khôi nhất.


Quân đội có ảnh hưởng rất lớn, quyền lợi rất nhiều trong xã hội, tác động mạnh đến các cử tri, họ ủng hộ ai, người ấy đắc cử, nếu ngưng thì người kia cũng… nghỉ luôn.


Bài cuối: Ngã rẽ nào cho Ai Cập?


Quân đội đã làm “đảo chính mềm”?

Nhiều nhà phân tích nước ngoài đã đặt câu hỏi như vậy sau khi Tổng thống Hosni Mubarak, thông qua cấp phó, tuyên bố từ chức hôm 11/2. Hơn ai hết, quân đội Ai Cập là người đầu tiên biết trước biến cố ấy ngay từ cách đây vài năm, khi ông Mubarak một mực không cho họ điều khiển cuộc chọn người kế thừa ngai vàng bởi chỉ có con trai Gamal của ông là “xứng đáng nhất”, dù chưa một ngày trong quân ngũ.

Quân đội giữ một vai trò quan trọng tại Ai Cập. Ảnh: AFP-TTXVN


Với vai trò, vị trí và đặc quyền quá lớn vốn có suốt mấy chục năm qua, quân đội không dễ chấp nhận và nhiều tướng lĩnh đã công khai phản đối, chỉ trừ những người cao nhất ở Bộ Quốc phòng. Và cuộc nổi dậy từ hôm 25/1 của dân chúng được coi như một cơ hội cho giới quân sự, khi họ tuyên bố không bắn vào người biểu tình, và yêu cầu phải có những thay đổi ở thượng tầng.


Liên tiếp trong mấy cuộc họp sau đó của Hội đồng quân sự tối cao đều vắng mặt vị chủ tịch đầy quyền uy Mubarak đã nói lên tất cả: Quân đội, chứ không phải ai khác, sẽ thay ông cai quản đất nước, chí ít là trong giai đoạn chuyển tiếp đầy nhạy cảm và cam go này.


Nhưng, để coi đây là cuộc “đảo chính mềm” thì không hẳn đúng bởi chưa một tướng lĩnh nào gây sức ép hoặc khuyên nhủ ông Mubarak từ chức cả, và trong 18 ngày sục sôi của dân chúng ấy, cũng chẳng một quân nhân nào công khai ý định “mượn gió bẻ măng” cả, dù trong sâu thẳm, khá nhiều trong đội quân nửa triệu người ấy, đợi chờ ngày măng “tự gẫy”.

Cho dù không làm “đảo chính mềm”, song bây giờ, sau khi ông Mubarak đã ra đi, chính quyền đang nằm gọn trong tay quân đội, và họ sẽ có tiếng nói quyết định, tìm hướng đi cho Ai Cập.


Việc quân đội cam kết sớm hủy Luật Khẩn cấp; không đưa người ra tranh cử tổng thống, nghĩa là chấp nhận đòi hỏi của dân chúng về một nguyên thủ dân sự; lập ủy ban sửa đổi hiến pháp và trao quyền cho chính phủ dân sự trong thời gian sớm nhất, đã phần nào xoa dịu, tạo niềm tin ở phe đối lập và dân chúng. Song đấy chưa phải là tất cả, bởi để dung hòa được các mâu thuẫn nội tại, bình yên xã hội, ổn định kinh tế, phát triển các mối bang giao, không thể làm trong ngày một, ngày hai, và quân đội cũng không giàu kinh nghiệm ở tất cả các lĩnh vực.

Cái khó ở Ai Cập hiện nay là thiếu cả hai thứ tạo nên trụ cột cho mỗi quốc gia, bởi hiến pháp đang bị “treo” (chờ sửa đổi) và khuyết ghế tổng thống, trong khi xã hội có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau về hai cái thiếu này. Cái khó ấy kéo dài bao lâu và liệu có gây ra những bất ổn gì mới chăng, hoàn toàn tùy thuộc vào tài chèo lái của quân đội. Mong sao mọi thứ sớm ổn định để nơi ấy mỗi ngày khỏi phải hao tiền, tốn của, và cơ bản hơn, để không có thêm những cái chết oan uổng như vừa rồi.

Bầu quốc hội và tổng thống: Ai bầu và bầu ai?

Để tổ chức được hai cuộc bầu cử này, trước hết, Hội đồng quân sự tối cao đang điều hành đất nước phải sớm sửa đổi được hiến pháp và luật bầu cử, nếu không, sẽ lại như những cuộc “bầu cử” của mấy chục năm qua. Và như thế, đương nhiên phe đối lập sẽ tẩy chay. Trong bối cảnh hiện tại, dường như quân đội đang quyết tâm thực hiện lời hứa tổ chức các cuộc bầu cử trước tháng 9 tới và không đưa người ra tranh cử tổng thống.

Cả nước Ai Cập đang mong sao đấy đúng là lời hứa của những người lính, để thành phần quốc hội khóa tới sẽ đa dạng hơn, đất nước này sẽ có một vị nguyên thủ dân sự, thực sự do dân bầu ra. Không loại trừ khả năng, lực lượng đối lập, nhất là Tổ chức “Anh em Hồi giáo” sẽ chiếm đa số ghế trong quốc hội, mặc dù họ từng tuyên bố đấy không phải là mục tiêu. Ngay trong trường hợp ngược lại, tổ chức này vẫn sẽ trở thành một “Nhà nước trong Nhà nước” ở Ai Cập, chẳng khác gì phong trào Hezbollah ở Libăng, do thế và lực của nó đã tăng lên rất nhiều trong cuộc chính biến vừa qua.

Với chiếc ghế tổng thống, ngoài quân đội, “Anh em Hồi giáo” cũng nói sẽ không đưa người ra tranh cử, vì một mặt họ hiểu rằng người ấy khó thắng do tâm lý cử tri không dễ chấp nhận một người cực đoan điều hành đất nước; mặt khác, họ thừa biết tới đây vai trò của tổng thống sẽ bị “cắt xén” rất nhiều, và khi ấy con đường nghị trường sẽ dễ thâu tóm quyền lực hơn nhiều.


Các tổ chức đối lập khác hiện chưa có gương mặt nào đủ mạnh để ra tranh cử, đấy là chưa nói tới chuyện những tổ chức này khó mà thống nhất để tìm ra một ứng cử viên chung, còn nếu cứ để mạnh ai, nấy lo, chắc không có “cửa” vì mấy chục năm nay rồi, các tổ chức này, hoặc bị đặt ngoài vòng pháp luật, hoặc tuy được tự do đấy, nhưng luôn trong “bóng tối”.


Ngay cả nhân vật đối lập M. El-Baradei, nguyên Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng không dễ kiếm được chiếc ghế này, vì vai trò của ông đã mờ nhạt dần trong cuộc biểu tình vừa qua, nhất là sau khi phe đối lập không cho ông tham dự cuộc đối thoại với chính quyền.


Đấy là chưa kể các cử tri Ai Cập chắc khó bỏ phiếu cho người có lập trường rất thân Mỹ như ông, vì người Ai Cập, rộng ra là người Arập và Hồi giáo nói chung, chưa bao giờ coi Oasinhtơn là bạn cả. Trong bối cảnh như vậy, dư luận trong và ngoài Ai Cập đang nghiêng về cựu Ngoại trưởng Amr Mousa (ảnh nhỏ), hiện là Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL), một người rất được kính trọng nhờ tính liêm khiết, ôn hòa, có khả năng hóa giải mọi bất đồng cả trong đối nội lẫn đối ngoại, nhất là khi ông làm Ngoại trưởng.


Chỉ có điều các cử tri của “Anh em Hồi giáo” và phe đối lập nói chung rất không đồng tình với việc ông Mousa chủ trương không hủy bỏ Hiệp định Camp David ký năm 1979 với Ixraen, thậm chí còn coi đấy là “xương sống” cho hòa bình ở Ai Cập và toàn Trung Đông. May mà trong quan hệ với Mỹ, phương Tây và Ixraen, ông Mousa luôn cứng rắn, không nhượng bộ, được phe đối lập “ghi điểm”.

Dẫu biết ở Ai Cập và toàn vùng ấy luôn đầy rẫy những bất ngờ, vẫn mong sao đất nước này sớm ổn định trở lại, tìm được hướng rẽ mới, phục vụ lợi ích của tất cả 80 triệu dân, xứng đáng với vai trò anh cả trong thế giới Arập, một quốc gia rất quan trọng về nhiều mặt tại Trung Đông - châu Phi. Và chỉ có như vậy, ổn định ở đây mới bền vững, nếu không…

Phạm Phú Phúc

Ai Cập, chợt nhớ, chợt mong(Bài 2)
Ai Cập, chợt nhớ, chợt mong(Bài 2)

Ai cũng bảo mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng với những gì đã và đang diễn ra trên chính trường hàng loạt quốc gia ở Trung Đông – Bắc Phi, đặc biệt là Ai Cập, khiến người ta không thể không đưa ra những so sánh để suy ngẫm về thế thời, về những ngai vàng và bát cháo loãng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN